Với đặc trưng nổi bật là “Vào ngành A, ra ngành B”, mô hình đào tạo tiếp nối A+B có thể là hướng tiếp cận mới, để các trường nghiên cứu áp dụng.
Đào tạo tiếp nối
Là đơn vị tiên phong áp dụng các mô hình, loại hình đào tạo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội tin tưởng vào những triết lý của đơn vị mình. Với ưu thế của ĐH đa ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội đã thí điểm mô hình đào tạo giáo viên A+B.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Cùng với quá trình hội nhập về kinh tế, giáo dục đại học cũng mở ra và tiếp nhận những mô hình khác nhau. Đầu những năm 2000, mô hình đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành ở nước ngoài bắt đầu được giới thiệu và du nhập vào Việt Nam. Mô hình này tạm gọi là mô hình tiếp nối A+B. Đặc trưng nổi bật của mô hình này là “Giỏi về A, thành thạo về B”.
Hiện nay, do yếu tố lịch sử nên đại đa số giáo viên phổ thông được đào tạo theo mô hình “tích hợp”, riêng Trường ĐH Giáo dục triển khai theo mô hình nối tiếp A+B (trước đây gọi là 3+1): Giai đoạn A (tương đương khoảng 3 năm) - đào tạo khoa học cơ bản theo chương trình của các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội; giai đoạn B (tương đương 1 năm) - đào tạo về khoa học giáo dục và nghiệp vụ sư phạm (giáo học pháp) tại Trường ĐH Giáo dục. Sinh viên, sau khi tốt nghiệp nhận bằng cử nhân sư phạm.
Mô hình “bằng kép” được triển khai cho sinh viên thuộc các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội: SV học các ngành khoa học cơ bản, được học song song với ngành sư phạm tương ứng từ năm thứ 2 trở đi. Thời gian tối đa cho mỗi sinh viên là 6 năm và được cấp 2 văn bằng: Cử nhân khoa học và cử nhân sư phạm sau khi tốt nghiệp.
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, thời gian tới, Trường ĐH Giáo dục đề xuất với Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội được thí điểm đào tạo giáo viên theo mô hình 4+1+0,5 thực hành rèn nghề (cử nhân + khoa học giáo dục + rèn nghề). Người theo học đã có bằng cử nhân khoa học ngành tương ứng, được học thêm 1 năm khoa học giáo dục và được rèn nghề 6 tháng theo mô hình gần tương tự mô hình “nội trú” bên đào tạo bác sĩ.
“Mỗi mô hình đào tạo giáo viên đều có ưu và nhược điểm. Mô hình đào tạo giáo viên tại A+B Trường ĐH Giáo dục có tính linh hoạt, có thể đáp ứng nhanh vấn đề thiếu giáo viên cục bộ theo môn hay địa phương, cũng như trên diện rộng. Nói cách khác, nó có thể thực hiện tốt chức năng như là “van” điều tiết đào tạo nhân lực, nhất là trong bối cảnh toàn ngành triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho hay.
Đáp ứng bối cảnh thực tiễn
Theo PGS.TS Phù Chí Hòa – giảng viên cao cấp Trường ĐH Đà Lạt, cùng với quá trình hội nhập về kinh tế, giáo dục ĐH cũng tiếp nhận những mô hình đào tạo giáo viên khác nhau, trong đó có mô hình “tiếp nối”. Mô hình này gồm giai đoạn đào tạo về khoa học cơ bản, chuyên ngành và sau đó là đào tạo nghề sư phạm. Nhiều nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức đã lựa chọn mô hình này bởi tính mềm dẻo và hiệu quả.
PGS.TS Phù Chí Hòa cho biết: Trường ĐH Đà Lạt cho phép sinh viên đăng ký và tích luỹ các tín chỉ theo quy định để có thêm bằng đại học thứ hai (đào tạo song bằng) trong ngành sư phạm hay một ngành học khác. Chủ trương này phù hợp với nhu cầu phát triển đa dạng của cuộc sống.
Tại Hội thảo khoa học “Mô hình đào tạo giáo viên A+B” do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, Tiểu ban Giáo dục đại học tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, TS Lương Thanh Tân và TS Trần Đại Nghĩa đến từ Trường ĐH Đồng Tháp phân tích: Trước sự phát triển của xã hội, ngành Giáo dục phải đổi mới và gắn liền với đó là đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Theo đó, mối quan hệ ở trường đào tạo giáo viên và các địa phương cần có sự kết nối, hỗ trợ vì sự phát triển. Yêu cầu cấp thiết với các trường đào tạo giáo viên là phải thay đổi chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Tuy vậy, vấn đề thừa thiếu giáo viên hiện vẫn diễn ra. Do đó, việc lựa chọn mô hình tiếp nối A+B trong đào tạo giáo viên là cần thiết, và cần được nghiên cứu thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Mô hình này sẽ bảo đảm tính cơ học khi giáo viên thiếu. Khi đó, việc tuyển dụng giáo viên có thể nhanh chóng được đáp ứng bởi những người khác ngoài ngành sư phạm có thể học thêm phần kiến thức về nghề sư phạm trong chương trình đào tạo giáo viên; thực hành nghề sư phạm đủ thời gian quy định để có thể trở thành giáo viên.
Mặt khác, mô hình tiếp nối A+B sẽ tạo điều kiện khi nhu cầu giáo viên giảm. Những người đang theo học các chương trình giáo viên hoặc những người đã trở thành giáo viên cũng có thể dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp nhanh chóng bởi họ được trang bị kiến thức nền tảng từ các ngành khoa học khác khi họ học theo mô hình nối tiếp A+B.
Bên cạnh đó, khi vận dụng mô hình đào tạo tiếp nối A+B, các trường đại học dễ dàng điều tiết giảng viên có năng lực giảng dạy, nghiên cứu tham gia đào tạo các ngành khác mà không nhất thiết phải tuyển dụng mới. Điều này giúp cho nguồn nhân lực các trường đại học ổn định sẽ phải thích ứng, không ngừng học tập nghiên cứu, rèn luyện để có thể giảng dạy các chuyên ngành ngoài sư phạm.
“Trường ĐH Đồng Tháp đào tạo đa ngành, trong đó các ngành sư phạm là nòng cốt. Do đó, trong quá trình tuyển sinh và đào tạo các ngành khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, sinh viên có thể học bổ sung các tín chỉ về tâm lý học, giáo dục học, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm..., để đáp ứng đủ yêu cầu chuẩn nếu muốn được cấp bằng cử nhân sư phạm. Khi ra trường các em có thể đi dạy. Ngược lại có những em tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm, nhưng trong quá trình học và dựa trên bối cảnh của xã hội, không được tuyển dụng đi dạy. Khi đó, các em có thể học bổ sung các tín chỉ để đáp ứng được việc làm phù hợp với công việc sau khi ra trường” - PGS.TS Nguyễn Văn Đệ dẫn giải.
Tạo điều kiện để người học chuyển hướng
Cho rằng, mô hình nối tiếp đào tạo giáo viên có những ưu việt, phù hợp với bối cảnh hiện nay, PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: Nhờ có những điều kiện thuận lợi của cơ sở giáo dục đại học đa ngành và là thành viên của ĐH Đà Nẵng, đào tạo giáo viên của nhà trường được thực hiện đa mô hình. Điều này khẳng định, đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp với nhiều hình thức khác nhau phù hợp, ưu việt hơn mô hình khép kín truyền thống.
PGS.TS Lưu Trang phân tích: Đào tạo giáo viên theo mô hình nối tiếp phù hợp và ưu việt với nước ta hiện nay do nhu cầu cần đào tạo nhanh đội ngũ giáo viên đang thiếu hụt. Ngoài ra, người học có thể thay đổi nghề nghiệp dễ dàng do sự thay đổi không ngừng của xã hội. Cơ sở đào tạo giáo viên hoàn toàn có thể thích ứng được với sự thay đổi và phát triển của xã hội; đồng thời có thể chủ động thu hút được người giỏi vào học. Sinh viên sư phạm cũng có khả năng thích ứng cao với nhu cầu xã hội, đáp ứng được yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng hay sử dụng nhân lực ngành sư phạm.
“Tuy mô hình nối tiếp đào tạo giáo viên phù hợp và ưu việt, nhưng để thực hiện đồng loạt ngay trong toàn hệ thống đào tạo giáo viên thì chưa thích hợp. Do đó giai đoạn này, chỉ có thể thực hiện đào tạo nối tiếp giáo viên ở những cơ sở giáo dục đa ngành có quy mô lớn như: ĐH vùng, ĐH quốc gia, hay ở những đô thị lớn có nhiều trường ĐH hợp tác công nhận sản phẩm đào tạo lẫn nhau” - PGS.TS Lưu Trang trao đổi.
Cùng nghiên cứu về xu hướng đào tạo giáo viên trên thế giới, TS Trần Bá Tiến – Phó Hiệu trưởng và TS Hoàng Vĩnh Phú - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Vinh – Nghệ An) cho hay: Đào tạo giáo viên ở nước ta đang thực hiện theo hai mô hình: Song song (hầu hết các trường có ngành đào tạo sư phạm) và nối tiếp (2 giai đoạn). Mô hình nối tiếp (3+1) hiện được thực hiện tại Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong đó, 3 năm đầu sinh viên được đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản, năm cuối học kiến thức khoa học giáo dục và thực tập làm giáo viên ở trường phổ thông.
Mô hình này đã phát huy được tối đa sức mạnh, nguồn lực của các đơn vị thành viên thông qua việc kết hợp khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Ưu thế nổi trội của mô hình nối tiếp là trang bị cho giáo viên kiến thức chuyên môn vững vàng, khi trong những năm đầu được đào tạo như một cử nhân chuyên ngành khoa học cơ bản; mở rộng đầu vào của ngành sư phạm.
Mô hình nối tiếp sẽ hiệu quả hơn ở các trường đa ngành. Trong quá trình đào tạo giai đoạn khoa học cơ bản, sinh viên có nhiều lựa chọn ngành phù hợp chứ không nhất thiết chỉ làm giáo viên. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhu cầu nhân lực thường xuyên thay đổi, việc tạo điều kiện cho sinh viên rẽ hướng trong quá trình đào tạo sẽ mở rộng cơ hội tìm việc làm hơn.