Đào tạo giáo viên theo đặt hàng của địa phương: Để hiệu quả đi vào thực tiễn

GD&TĐ - Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương được đánh giá góp phần giải bài toán thừa thiếu giáo viên một cách căn cơ và hiệu quả.

Một buổi học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới tại tỉnh Long An. Ảnh C.Chương
Một buổi học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới tại tỉnh Long An. Ảnh C.Chương

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để chủ trương này đạt hiệu quả cao phải giải quyết thêm một số vấn đề.

Nhu cầu cao nhưng vướng biên chế

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương (29/4), nhiều sở GD&ĐT phía Nam đã triển khai văn bản xuống cơ sở để thống kê nhu cầu về GV các bậc học.

Theo ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước đã ban hành văn bản triển khai, chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên của từng bậc học, ngành học để làm cơ sở lập kế hoạch đào tạo giáo viên theo nhu cầu và trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện.

Tuy nhiên, giai đoạn này, cơ sở giáo dục trong tỉnh đang thực hiện rà soát, sắp xếp lại theo chủ trương của Trung ương, ngành Giáo dục và Nội vụ tiến hành điều động viên chức giữa các địa phương trong tỉnh để giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Do vậy, việc rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên giai đoạn 2021 - 2025 gặp một số khó khăn nhất định.

“Bình Phước đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mô hình dạy song ngữ ở các bậc học, đồng thời, bảo đảm các quy định về trường, lớp, giáo viên để hoàn thiện các tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025. Chính vì vậy, tỉnh vẫn có nhu cầu bổ sung giáo viên, nhất là tiểu học và giáo viên dạy các môn chuyên (Tiếng Anh, Tin học…). Ước tính đến năm 2025, tỉnh cần khoảng 3.300 giáo viên, nhân viên ở các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông” - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước Lý Thanh Tâm chia sẻ

Tương tự, theo bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GDKH&CN tỉnh Bạc Liêu, sở triển khai văn bản xuống các cơ sở để thu thập dữ liệu. Thực hiện Chương trình GDPT mới, địa phương thiếu một số GV, tuy nhiên việc bổ sung bị giới hạn về biên chế từ phía nội vụ.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) cũng xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng HCMUE cho hay: Trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, sắp tới, Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu chính thức về các ngành đào tạo giáo viên cũng như quy trình triển khai quá trình đặt hàng đào tạo, trường sẽ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.

Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, phát biểu tại một sự kiện. Ảnh C.Chương
Ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, phát biểu tại một sự kiện. Ảnh C.Chương

Cân đối cung - cầu

Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương ban hành tạo sự phấn khởi không chỉ cho ngành GD các tỉnh, thành mà cả cơ sở có đào tạo hệ sư phạm. TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - NLU cho rằng: Đào tạo GV theo đặt hàng của địa phương là cần thiết và cần lưu ý cân đối mối quan hệ cung cầu.

Theo TS Trần Đình Lý, đào tạo GV gắn liền với địa chỉ, giải quyết tốt đầu ra cho SV sau tốt nghiệp. Địa phương (tỉnh, thành) phải đặt hàng các trường uy tín; quản lý tốt cam kết của người học sau khi tốt nghiệp ra trường; làm tốt công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên. Địa phương đồng thời có chế độ ưu đãi học phí, trợ cấp tốt cho SV sẽ giúp thu hút người giỏi vào sư phạm để trở thành những người thầy của các thế hệ thầy cô giáo, điều này vô cùng quan trọng mà không phải ai/địa phương nào cũng làm được.

Tương tự, ông Lý Thanh Tâm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước nhấn mạnh việc đào tạo được GV theo đặt hàng có chất lượng cao nhất và bảo đảm cân đối cung cầu, các địa phương phải thực hiện tốt công tác dự báo nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục. Từ đó, địa phương đăng ký nhu cầu GV theo từng giai đoạn với số lượng GV cụ thể. Bên cạnh đó, các địa phương phải có cơ chế, chính sách phù hợp để sử dụng hết số GV đã đăng ký nhu cầu đào tạo để tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ và hạn chế tình trạng SV sư phạm thất nghiệp hoặc phải làm các công việc trái ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường.

“Đồng thời, phải thực hiện nghiêm các quy định về chế độ bồi hoàn kinh phí đào tạo trong trường hợp SV sư phạm chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học. SV sư phạm không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp hoặc công tác không đủ thời gian công tác theo quy định” - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Từ thực tiễn là cơ sở đào tạo GV lớn ở khu vực phía Nam, theo TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng HCMUE, đào tạo GV theo đặt hàng của địa phương phù hợp với xu thế. Có thể nói đây là một trong những động lực lớn để thu hút  “người tài” vì các em được “đặt hàng”, hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập và bảo đảm việc làm trong tương lai.

“Để công tác này đạt hiệu quả, việc phối hợp giữa các bên liên quan rất quan trọng. Các bước tiến hành trong dự thảo quy trình của Bộ GD&ĐT cũng đã rõ, nhưng điều quan trọng vẫn là các bên liên quan (Bộ GD&ĐT, cơ sở GDĐH, địa phương) phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện” - TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc nhận định.

Để làm tốt việc đào tạo GV theo đặt hàng, địa phương cần cam kết ưu tiên sử dụng GV được đào tạo theo chương trình chất lượng cao. Thực hiện quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Đồng thời, thực hiện cơ chế “đặt hàng” trong đào tạo nhưng phải có tính cạnh tranh lành mạnh để các cơ sở có cơ hội như nhau khi nhận đơn “đặt hàng” của nhà sử dụng. - Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.