Quỹ Hỗ trợ phát triển giúp nhà làm phim như 'hổ thêm cánh'?

GD&TĐ - Nhiều người tin tưởng vào Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, bởi nếu được hỗ trợ nhà làm phim sẽ như 'hổ thêm cánh'.

Ê-kíp phim thực hiện một cảnh quay cho phim 'Thành phố ngủ gật'.
Ê-kíp phim thực hiện một cảnh quay cho phim 'Thành phố ngủ gật'.

Mong muốn có phim hay sánh tầm khu vực và thế giới, điều đầu tiên là phải được đầu tư. Sự đầu tư bài bản sẽ cho ra sản phẩm chất lượng và phim Việt cũng vậy - sẽ thay hình đổi dạng “lột xác” để vươn tới tầm cao.

Đó là lý thuyết khi phân tích về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, còn thực tế việc có phim hay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Bao giờ mới thành hiện thực?

Theo Luật Điện ảnh 2022, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh có mục đích hỗ trợ dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; Hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài…

Về địa vị pháp lý, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động.

Vào giữa tháng 3/2023, trong Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á” - đại diện các nhà làm phim cho rằng, Nhà nước nên tạo ra những quỹ điện ảnh, nếu các bạn trẻ làm phim ngắn chi phí không quá nhiều, những bộ phim ngắn khoảng 100 - 300 triệu cũng có thể giúp cho các bạn trẻ tự tin chứng tỏ khả năng của mình với các nhà làm phim lớn.

Từ năm 2006, Quỹ Hỗ trợ điện ảnh đã đi vào luật, thế nhưng cũng chỉ là “trên giấy” vì không hỗ trợ được và không có tác động gì đến nền điện ảnh. Luật Điện ảnh năm 2022 được Quốc hội thông qua vào ngày 15/6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 khiến nhiều nhà làm phim tin tưởng sẽ thay đổi thực trạng.

Tuy nhiên đến nay, đã hơn 5 tháng kể từ ngày Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực, nhưng gần như vẫn chưa có tác động tích cực. Nhiều người chưa rõ hiện Bộ VH,TT&DL đã cử được ai làm chủ tịch quỹ, cũng như các quy trình thẩm định, phê duyệt, quyết toán như thế nào?

Thế nên cũng không ít người hoài nghi về khả năng đi vào hiện thực của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Không chỉ có vậy, việc điều hành quỹ sao cho hiệu quả, thông suốt để thúc đẩy điện ảnh Việt cũng là vấn đề khó đoán.

Các nhà làm phim sợ rằng, nếu cứ áp dụng phương pháp quản lý thông thường, thì sự cứng nhắc, nhiêu khê sẽ khó tránh khỏi. Và từ đó, việc tiếp cận quỹ cho điện ảnh sẽ không chỉ khó khăn, mà còn chậm chạp, ảnh hưởng đến tiến độ và thời cơ.

Nhân vật Di trong phim 'Những đứa trẻ trong sương' của Hà Lệ Diễm.

Nhân vật Di trong phim 'Những đứa trẻ trong sương' của Hà Lệ Diễm.

Các địa phương cần vào cuộc

“Bên cạnh các lợi ích của quỹ điện ảnh thế giới như hỗ trợ phát triển liên hoan phim của các quốc gia, giúp phát triển kinh tế đất nước và khi được các quỹ này tài trợ nhà làm phim có thể cạnh tranh với điện ảnh Hollywood, được tham gia vào các liên hoan phim hạng A, hay được công chiếu bộ phim ở các nước lớn trên thế giới” - TS Đào Lê Na - Trưởng Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh (Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM).

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay, trước đây nhiều người lên tiếng muốn chúng ta có một quỹ điện ảnh. Quỹ này nhằm phát triển điện ảnh, tập trung vào các “nhà làm phim độc lập” để hỗ trợ các dự án, tuy nhiên dù được kêu gọi đã lâu nhưng cũng chưa lập xong.

Nhiều cơ hội dành cho điện ảnh Việt đã qua, cùng với đó là những ý tưởng và sự nhiệt huyết theo thời gian cũng bị bào mòn đi đầy luyến tiếc.

“Thời điểm hiện tại, nếu lập quỹ điện ảnh dành riêng cho phim độc lập thì đã bị quá chậm và không còn thức thời nữa. Nếu có lập quỹ thì nó phải là “Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam” nói chung.

Quỹ đầu tư vào phát triển một nền công nghiệp điện ảnh chứ không phải dành riêng cho phim độc lập, trong đó quỹ cũng dành một hạng mục hỗ trợ phim độc lập”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Lý do ông Dũng đưa ra là hiện tại, nếu quỹ chỉ dành cho điện ảnh độc lập thì đã lỡ nhịp xu thế vì các quốc gia xung quanh đang đi tốc độ nhanh chứ không dùng riêng kênh phim độc lập để lan tỏa.

Hơn 10 năm trước, điện ảnh Việt còn đang thiếu nhiều thứ, từ nhân sự, kinh nghiệm và lực lượng sáng tác lẫn công nghệ. Hiện tại, các ô trống này có thể được lấp đầy kèm theo sự phối hợp với các đối tác quốc tế.

Một quỹ điện ảnh ra đời nếu được một nhóm điều hành tốt có thể thay đổi toàn bộ điện ảnh Việt Nam trong vòng 10 năm, điện ảnh Việt Nam có thể ngược dòng xuất khẩu sang quốc gia khác.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, đất nước Việt Nam như một bài thơ đẹp, trong trẻo đầy màu sắc. Điện ảnh Việt Nam cất cánh cũng cần đầy sắc màu rực rỡ mang theo niềm tự hào hình ảnh văn hóa con người Việt Nam đến với các quốc gia khác. Qua đó nâng cao hình ảnh thương hiệu của Việt Nam trong mọi lĩnh vực cả văn hóa và phát triển kinh tế.

Trong Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá… vô cùng quan trọng. Các địa phương cần nỗ lực trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim tại địa phương.

Việc địa phương quảng bá hình ảnh và thúc đẩy du lịch dù cần thiết, nhưng các địa phương hầu hết vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Đạo diễn Lương Đình Dũng nói rằng, mỗi tỉnh đều có đặc trưng riêng từ những thương hiệu vùng miền, tuy nhiên chúng ta hầu như không thấy một phim quảng cáo hay phim điện ảnh nào được đầu tư để tự quảng bá cho địa phương.

“Có thì chỉ là những bộ phim tài liệu giới thiệu khô cứng, không phải đúng là một phim quảng cáo mang trách nhiệm quảng bá hiệu quả. Mỗi tỉnh nếu chủ động và có chính sách quảng bá chiến lược tốt hơn dành cho điện ảnh, nếu không thể dành cho điện ảnh sớm thì hãy dành ngân sách thực hiện những phim quảng cáo giới thiệu về hình ảnh, con người, sản phẩm của mình”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ