Cảnh sắc Ninh Bình tuyệt đẹp xuất hiện trong poster phim “Kong: Skull Island”.
Cạnh đó, cảnh đẹp Việt Nam trong phim được người xem quốc tế trầm trồ. Nhiều người hy vọng, sự thành công của bộ phim sẽ tạo bước ngoặt cho cả du lịch và điện ảnh Việt.
Phim “bom tấn” nhưng “làm chưa tới”?
Với nhiều người khắt khe, “Kong: Skull Island” là phần có kịch bản “nhạt” nhất so với các phim bản Kong trước đó. Dàn diễn viên được xem là sáng giá, nhưng Kong đã chưa thực sự có sự khắc họa tính cách rõ nét cho từng nhân vật. Samuel L. Jackson, diễn viên da màu tài năng từng thành công trong nhiều siêu phẩm “bom tấn” khác, lại khá mờ nhạt về tính cách trong Kong. Các tuyến nhân vật phụ khác cũng không khá hơn là mấy khi các nét tính cách trở nên nhạt nhòa.
Cảnh Điềm, nữ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Hoa ngữ được xem là có vai diễn “dư thừa” nhất trong phim. Vì ngoài mang một nhan sắc châu Á giúp đa dạng hóa dàn diễn viên thì vai diễn của cô thuộc dạng “có cũng được không có cũng chẳng sao”. Bởi ngoài việc ôm máy ảnh chụp hình một cách cố chấp thì vai trò của Cảnh Điềm trong phim (vốn được truyền thông Hoa ngữ quan tâm hết mức) rất mờ nhạt.
Đặc biệt, Kong, nhân vật trung tâm của phim, ở “Kong: Skull Island” cũng nhận nhiều lời “chê” về logic tính cách so với các phần trước đây. Ở “Kong: Skull Island”, chú khỉ Kong có phần bạo lực, gây chết chóc nhiều hơn, và thiếu những nốt lặng tạo nên khoảnh khắc lãng mạn, yêu thương như Kong ở các phần phim trước.
Với việc quá ôm đồm và chú trọng các yếu tố hành động, phim đã lướt qua khá nhiều phân đoạn có thể làm điểm nhấn, tạo nốt lắng đọng cho phim. Những chi tiết khá đắt như lá thư người lính gửi cho con, hay cuộc sum họp sau bao năm chia cách vì chiến tranh…, có lẽ do lướt qua nhanh, hay “làm chưa tới”, mà chưa thực sự chạm vào trái tim khán giả, trong khi đáng ra, đây rất có thể là những chi tiết “lấy nước mắt” của khán giả.
Sự khôn ngoan của nhà sản xuất
Tất nhiên, ngoài những lời đánh giá khắt khe từ phía khán giả và nhà phê bình khó tính, thì “Kong: Skull Island” lại rất được phần đông khán giả trên thế giới đón nhận. Điểm cộng lớn nhất của Kong là sự đầu tư, hoành tráng về mặt kĩ xảo và trau chuốt về hình ảnh. Kĩ xảo, vốn là thế mạnh của phim Hollywood, đã được phát huy hết mức ở “Kong: Skull Island”, làm nên những cảnh quay cực kì đẹp mắt và hoành tráng: Cuộc chiến giữa Kong với các loại quái thú cổ đại, những cuộc xung đột nảy lửa giữa Kong và con người với vũ khí tối tân đều rực rỡ và “thật” đến nghẹt thở.
Phần hình ảnh chính là phần quan trọng hàng đầu tạo nên sức hút của Kong. Với bối cảnh lịch sử xuất phát từ những thập niên trước, địa điểm là hòn đảo kì bí nguyên sơ, những bộ tộc cổ xưa, những loài động vật cổ đại… bộ phim đã có những tạo hình hết sức đẹp mắt và lạ.
Đặc biệt, những cảnh quay trong phim từ núi, non nước, hang động ở Ninh Bình, Quảng Bình được đánh giá là cực kì “mãn nhãn”. Không chỉ khán giả Việt xem phim tự hào về một Việt Nam tuyệt đẹp trong ống kính điện ảnh của đạo diễn quốc tế, mà khán giả khắp thế giới đã đưa ra nhiều cảm nhận tích cực về cảnh sắc trên phim. Tại nhiều trang mạng review phim quốc tế người xem đã bày tỏ sự ngỡ ngàng trước thiên nhiên tuyệt đẹp hiện ra trong bộ phim. Một số người còn cho rằng “đó chỉ có thể là cảnh dựng bằng đồ họa”, và bày tỏ sự thú vị, ngưỡng mộ khi biết đó là cảnh thật của Việt Nam.
Cho đến hôm nay, doanh thu của “Kong: Skull Island” đã vượt con số 160 triệu USD trên các phòng vé toàn thế giới, phá kỉ lục một số phim “bom tấn” trước đây. Chỉ tính riêng Việt Nam, con số này đã là khoảng 3 triệu USD, là bộ phim xác lập kỉ lục doanh thu phòng vé với thời gian nhanh nhất. Tất nhiên, việc cảnh đẹp, con người Việt Nam xuất hiện trong phim chính là một trong những yếu tố chính kéo khán giả Việt đến rạp, làm nên con số khủng này. Về điều này, có thể quay lại một chút về sự “khôn ngoan” của các nhà làm phim Hollywood.
Nhiều người cho rằng, trong thời gian gần đây, phim Hollywood đang bắt đầu làm nhàm chán khán giả với công thức “liên Hợp quốc”, nghĩa là thành phần diễn viên đa dạng về sắc tộc, từ Âu, Mỹ, Á, Phi… Trong đó, có nhiều vai diễn phụ “cho có mặt”, rất nhạt nhòa, như trường hợp Cảnh Điềm trong phim này. Tuy nhiên, đó lại là một sự tính toán rất có lợi về doanh thu. “Kong: Skull Island” đã đạt doanh thu khủng toàn cầu chỉ trong vài ngày mà chưa hề công chiếu tại Trung Quốc, một thị trường khổng lồ.
Với sự có mặt của Cảnh Điềm và sự quan tâm của truyền thông, công chúng Hoa ngữ đến vai diễn của Cảnh Điềm, nhiều nhà phê bình dự tính, phim sẽ thành công rực rỡ ở thị trường Trung Quốc, tiếp tục xác lập những kỉ lục phòng vé mới.
Nhiều người kì vọng, sự thành công của “Kong: Skull Island” sẽ tạo ra một “cơn sốt” cho du lịch Quảng Bình, Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Không chỉ thế, Việt Nam rất có thể sẽ trở thành một lựa chọn phim trường đầy hấp dẫn, mới lạ tiếp theo của các nhà làm phim quốc tế.