Cơ hội cho nhà làm phim trẻ

GD&TĐ - Sắp tới, bộ phim “Nháy, nháy” sẽ đại diện Việt Nam tranh tài tại cuộc thi Làm phim 48 giờ quốc tế tổ chức tại Paris (Pháp) vào cuối năm và hy vọng sẽ được chọn là 1 trong 15 đại diện của Làm phim 48 giờ quốc tế có mặt tại Liên hoan phim Cannes năm 2018. Đây là tín hiệu vui của điện ảnh Việt, là cơ hội để các đạo diễn trẻ học hỏi, giao lưu với nền điện ảnh thế giới.

Cơ hội cho nhà làm phim trẻ

Phim ngắn Việt khởi sắc

Dự án “Làm phim 48 giờ” Việt Nam 2017 thu hút 105 phim ngắn của các đội gửi về tranh tài. Các phim ngắn dự thi được trình chiếu tại hai hệ thống rạp BHD Star Cineplex (tại TPHCM và Hà Nội). Đây quả là một cơ hội tốt với những người trẻ đam mê làm phim.

Bộ phim “Nháy, nháy” đạo diễn Huỳnh Anh Duy của đội Đùn Lìn Film đã giành giải Nhất của cuộc thi và sẽ đại diện Việt Nam tranh tài tại cuộc thi “Làm phim 48 giờ” quốc tế tổ chức tại Paris vào cuối năm nay. “Nháy, nháy” còn giành thêm các giải thưởng: Hậu kỳ xuất sắc nhất; Sử dụng lời thoại xuất sắc nhất và Phim được khán giả bình chọn nhiều nhất.

Trong các năm trước, Việt Nam đã chiến thắng vòng quốc tế với 2 bộ phim “A Good Day to Die” (2010) và “Canh Ba Ba” (2011) đã được tham gia công chiếu phim tại Liên hoan phim Cannes - Pháp. Năm 2013, ở “Góc phim ngắn” của LHP Cannes, đạo diễn trẻ Trần Dũng Thanh Huy đã có cơ hội mang “16:30” - phim đoạt nhiều giải thưởng ở thể loại phim ngắn của Việt Nam - sang Cannes trình chiếu. LHP Cannes 2014, bộ phim ngắn “Tôi 30” của đạo diễn trẻ Minh Đức được chọn trình chiếu và tranh giải tại “Góc phim ngắn”...

Lấy chất liệu từ những câu chuyện có thực trong đời sống, xã hội, chuyển tải những thông điệp bằng ngôn ngữ điện ảnh sống động, cùng với niềm đam mê của mình để tạo những thước phim ngắn sống động, không chỉ cung cấp cho khán giả những cái nhìn sinh động và đa chiều về thế giới, mà còn cho thấy những quan niệm nghệ thuật khác nhau của các nhà làm phim khắp thế giới.

Đa dạng và khác biệt

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, ở Hà Nội hiện có khoảng 40 nhóm làm phim ngắn đang hoạt động. Tại TPHCM có ít nhất khoảng 500 người đang tham gia vào lĩnh vực này theo nhóm hoặc đơn lẻ. Dự án Chúng ta làm phim (TPD) của Hội Điện ảnh Việt Nam đã thu hút 120 nhóm làm phim với 600 học sinh.

Khoảng 5 năm gần đây, dường như, phim ngắn vẫn còn là một trào lưu mang tính tự phát phong trào, nghiệp dư. Dẫu còn nhiều hạn chế nhưng cũng không thể phủ nhận phim ngắn của đạo diễn trẻ Việt Nam đã có ít nhiều sáng tạo, khơi gợi góc nhìn mới về cách làm phim của thời đại mới, không đi theo những lối mòn cũ kỹ.

Những người trẻ tham gia vào sản xuất phim ngắn ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn cả về thể loại cũng như đề tài nội dung. Nhiều dự án phim ngắn từ chuyên nghiệp dành cho đạo diễn trẻ, sinh viên các trường sân khấu - điện ảnh đến nghiệp dư như người trẻ yêu phim, học sinh phổ thông trung học, tạo cho dòng phim này sự đa dạng nhưng khá nhiều khác biệt.

Phim ngắn Việt chủ yếu là những thể nghiệm mới mẻ mang tính khám phá, khai phá, đôi khi như một sáng tạo độc - lạ của những đạo diễn trẻ - những người mới vào nghề, và cả những người thích nhưng chỉ qua vài khóa ngắn hạn ở các workshop làm phim.

Dù rất nhiều phim mang dấu ấn “câu chuyện cá nhân”, song nó thể hiện đúng tâm lý giới trẻ đương đại nên có một số ảnh hưởng không nhỏ. Và chính đây cũng là một sự khác biệt, đôi khi trở thành khó hiểu mà phim của đạo diễn các thế hệ trước ở Việt Nam không chạm tới được.

Các dự án phim ngắn không chỉ là cuộc chơi thỏa mãn đam mê, sở thích của các bạn trẻ, mà còn là con đường cho các bạn bước những bước đi đầu tiên đến với việc làm phim chuyên nghiệp. Nhiều người trong nghề lẫn công chúng đều hy vọng rằng, trong thời gian không xa, với sự khởi sắc đã có từ trong nước, phim ngắn Việt sẽ có tác phẩm đủ sức nặng để đem ra tranh tài ở đấu trường thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.