Quy định về miễn, giảm học phí

GD&TĐ - Độc giả hỏi về chế độ miễn giảm học phí.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đối tượng được miễn, giảm học phí được quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có quy định, không áp dụng miễn, giảm học phí đối với trường hợp đang hưởng lương, phụ cấp khi đi học.

Xin hỏi, việc hưởng lương này là lương từ ngân sách Nhà nước hay bất cứ khoản lương nào từ các doanh nghiệp tổ chức ngoài Nhà nước? Trường hợp một người đã học đại học nhưng chưa được hưởng chế độ miễn giảm học phí tại văn bằng 1, nay học văn bằng 2 chính quy, hiện thất nghiệp thì có được miễn giảm học phí khi theo học văn bằng 2 không? (vaninh***@gmail.com)

* Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau: Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định: Không áp dụng miễn, giảm học phí đối với trường hợp đang hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học, các trường hợp học cao học, nghiên cứu sinh (trừ đối tượng quy định tại khoản 14, khoản 16 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP).

Như vậy, trường hợp đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc lương từ các doanh nghiệp tổ chức ngoài Nhà nước thì không áp dụng miễn, giảm học phí theo quy định nêu trên.

Điều 15, Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được miễn, giảm học phí gồm: Miễn học phí đối với sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

Miễn học phí đối với sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Miễn học phí đối với sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền;

Giảm 70% học phí đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định: Không áp dụng chế độ ưu đãi về miễn, giảm học phí đối với người học trong trường hợp đã hưởng chế độ này tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học, nay tiếp tục học thêm ở một cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học khác cùng cấp học và trình độ đào tạo.

Do câu hỏi của bạn không cung cấp thông tin thuộc đối tượng chính sách nào và lý do chưa được hưởng chế độ miễn giảm học phí tại văn bằng 1; vì vậy, chúng tôi chưa có căn cứ trả lời. Bạn cần đối chiếu với các quy định tại Điều 15, Điều 16 và Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP nêu trên để xem xét thuộc đối tượng được miễn giảm học phí hay không.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.