Dồn dịch điểm lẻ, sáp nhập trường học: Trường chung không ai khóc

GD&TĐ - Việc quy hoạch và sáp nhập trường lớp được Nghệ An thực hiện nhiều năm nay với những đơn vị quy mô trường lớp giảm, nhiều điểm lẻ.

Cô trò Trường THCS Long Lộc (Nghĩa Đàn) từng phải học trong lán tạm để xe đạp do phòng học hư hỏng, nguy hiểm.
Cô trò Trường THCS Long Lộc (Nghĩa Đàn) từng phải học trong lán tạm để xe đạp do phòng học hư hỏng, nguy hiểm.

Bên cạnh những nơi đạt hiệu quả cũng có không ít trường sáp nhập mang tính “cơ học”. Đặc biệt, sáp nhập trường đồng cấp, lộ ra bất cập, không nhận được sự tập trung đầu tư nguồn lực như kỳ vọng vì “trường chung không ai khóc”.

Cha chung không ai khóc

Cách đây 8 năm, quy mô học sinh giảm, Trường THCS Nghĩa Lộc 2 sáp nhập với THCS Nghĩa Long thành Trường THCS Long Lộc (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Do chưa có cơ sở vật chất mới, địa bàn rộng, nên trường vẫn duy trì 2 cơ sở. Trong đó, phân hiệu 2 xã Nghĩa Lộc đã xây dựng hơn 20 năm, gồm 2 dãy phòng học và khu hiệu bộ đều có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Sau sáp nhập, mục đích tăng cường cơ sở vật chất không đạt như kỳ vọng. Vì xã Nghĩa Lộc có 2 trường THCS, chính quyền xã dành sự đầu tư cho trường đặt tại địa bàn mình trước, còn “trường chung” thì xếp sau.

Cuối tháng 9/2020, sau đợt mưa lớn kéo dài, 7 phòng học của Trường THCS Long Lộc bị hư hỏng, sập mái... Để bảo đảm an toàn, nhà trường buộc phải đình chỉ số phòng học trên. Thay vào đó, 3 phòng chức năng được chuyển đổi thành phòng học. Đồng thời trưng dụng và tu sửa nhà để xe đạp làm phòng học tạm cho 4 lớp còn lại. Sau đó, nhận thấy việc học tạm trong lán để xe đạp không đủ diện tích, cơ sở vật chất, ảnh hưởng chất lượng dạy học, nhà trường tổ chức học 2 ca sáng - chiều.

Cô Trương Thị Nhâm – Hiệu trưởng Trường THCS Long Lộc tính toán: Dự kiến năm học 2021 - 2022, phân hiệu Nghĩa Lộc tăng 2 lớp, đến năm học 2022 – 2023 sẽ tăng 4 lớp. Trong khi tại đây chỉ có 6 phòng học sử dụng được, không còn phòng chức năng. Cơ sở vật chất tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt, với điều kiện như vậy, việc triển khai Chương trình GD phổ thông 2018 từ năm học tới sẽ khó khả thi.

Tương tự, Trường THCS Đông Vĩnh (phường Đông Vĩnh, TP Vinh, Nghệ An) bị xóa bỏ vào năm 2010. Thay vào đó, học sinh của phường này sẽ sáp nhập, học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (đóng tại xã Hưng Đông). Vào thời điểm trên, quy mô học sinh của phường giảm, số lớp giảm. Việc sáp nhập với mục đích tập trung nguồn lực, sự đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhưng theo cô Trần Thị Trâm Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, nhiều năm qua, trường không nhận được nhiều đầu tư của phường Đông Vĩnh. Bởi “không có địa phương nào sang đầu tư cơ sở vật chất cho trường học đặt tại địa phương khác”, dù con em của xã đang theo học tại trường đó. Chưa kể công tác vận động xã hội hóa giáo dục cũng gặp khó khăn. Tình trạng này khiến quy mô cơ sở vật chất của nhà trường nhiều năm không được bổ sung, hiện đại hóa. Gần đây, số lượng học sinh mỗi năm tăng lên, khiến trường thiếu phòng học. Hiện có 2 lớp của trường đang phải học tạm ở phòng kho và nhà chức năng, điều kiện diện tích, trang thiếu bị không đáp ứng yêu cầu. 

Sau 8 năm sáp nhập, Trường THCS Long Lộc vẫn sử dụng cơ sở vật chất cũ, xuống cấp.
Sau 8 năm sáp nhập, Trường THCS Long Lộc vẫn sử dụng cơ sở vật chất cũ, xuống cấp.

Hiệu quả mang tính “cơ học”

Trước tình cảnh “học nhờ”, nhiều trẻ phải học trái tuyến, chính quyền phường Đông Vĩnh nhiều lần có văn bản xin TP Vinh được “trả lại” trường cũ. Tuy nhiên, theo quy định không được thành lập mới trường công. Vì vậy, phường này đang xin thành lập cơ sở 2 của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ đóng tại địa bàn. Ông Cao Văn Toàn – Chủ tịch UBND phường Đông Vĩnh cho biết: Chủ trương đã được thông qua nhưng thủ tục cấp đất vẫn chưa hoàn thành. “Nguyện vọng lớn nhất của nhân dân và chính quyền địa phương là sớm tạo điều kiện để phường Đông Vĩnh xây dựng cơ sở 2 cho học sinh. Vì theo điều tra dân số,  học sinh tiểu học của phường có gần 1.000 em. Thời gian tới, khi số lượng này học lên cấp 2 sẽ gây áp lực cho Trường THCS Nguyễn Trường Tộ”, ông Toàn nói.

Còn Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) - ông Nguyễn Văn Hùng cho hay: Phòng đã nắm thực trạng Trường THCS Long Lộc xuống cấp nghiêm trọng và kiến nghị, đề xuất UBND huyện cấp kinh phí ngân sách xây mới phòng học cho Trường THCS Long Lộc. Đề xuất này được chính quyền địa phương ghi nhận để đưa vào kế hoạch tài chính của năm 2021. Dự kiến, sẽ xây dựng mới dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học cho nhà trường.

Việc quy hoạch và sáp nhập trường lớp được Nghệ An thực hiện nhiều năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị đạt hiệu quả cũng có nhiều cơ sở gặp vướng mắc, bất cập hậu sáp nhập. Năm học này, trường tiểu học của 2 xã Hưng Thắng và Hưng Tiến cũ (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) được hợp nhất lấy tên gọi là Trường Tiểu học Hưng Nghĩa. Việc chuyển đổi thuận lợi, nhanh chóng khi huyện Hưng Nguyên sáp nhập đơn vị hành chính 2 xã trên thành xã Hưng Nghĩa.

Về phía phụ huynh cũng ủng hộ vì quy mô học sinh nhỏ. Nhưng đánh giá về hiệu quả, cô Nguyễn Thị Thảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Nghĩa cho rằng chưa rõ rệt. Việc sáp nhập đang mang tính cơ học, duy trì hai điểm trường “học sinh xã nào học ở xã ấy”. Số cán bộ quản lý giảm, nhưng đội ngũ thừa thiếu cục bộ. Giáo viên năng khiếu, Tiếng Anh, Tin học phải làm việc quá tải và di chuyển liên tục giữa 2 điểm trường. Trường còn thiếu 19 phòng chức năng. Phòng tin học chỉ có 6 máy tính còn sử dụng được.

“Chúng tôi mong muốn sau khi đầu tư, xã và huyện có giải pháp để 2 trường được sáp nhập về một đầu mối thì hoạt động của trường sẽ thuận lợi hơn”, cô Thảo bày tỏ.

Trong dịp làm việc trực tiếp với một số địa phương về quy mô mạng lưới trường lớp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ông Bùi Đình Long đã chỉ đạo việc sáp nhập trường, điểm lẻ cần tính toán và có tầm nhìn dài hạn. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là sắp xếp phải phù hợp với điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc sáp nhập cũng cần phải tính tới những đặc thù riêng ở từng vùng, cấp học và không thể triển khai đồng loạt nếu chưa có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Trong quá trình đầu tư xây dựng phải cân nhắc trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãnh phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.