Tuy nhiên, dồn dịch, sáp nhập chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện trên nguyên tắc: Lấy sự đồng thuận của nhân dân làm cốt lõi, hiệu quả là mục tiêu thực hiện.
Chuyển biến sau sáp nhập
Tháng 1/2020, Trường Mầm non Thanh Quang (Thanh Hà, Hải Dương) được sáp nhập từ 3 trường mầm non công lập gồm: Thanh Bính, Trường Thành và Hợp Đức. Cô Phạm Thị Mai - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Một năm sau sáp nhập, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Trường đã được công nhận chuẩn quốc gia mức độ I và đạt kiểm định chất lượng mức độ II.
“Đáng nói, chủ trương sáp nhập tạo được sự đồng thuận của toàn thể nhân dân cũng như phụ huynh học sinh, nên mọi hoạt động giáo dục của nhà trường được chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh đồng tình hưởng ứng, tích cực hỗ trợ” – cô Mai cho biết, đồng thời khẳng định: Nhờ sáp nhập, các nguồn lực đầu tư cho nhà trường có trọng tâm. Năm 2020, nhà trường được đầu tư xây dựng khu vui chơi có mái vòm, khu trải nghiệm của trẻ và làm mới nhà để xe của cán bộ, giáo viên.
Nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, từ năm 2017, UBND huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) thực hiện sáp nhập một số cơ sở giáo dục. Riêng năm 2017, sáp nhập 6 cơ sở giáo dục thành 3 cơ sở. Năm học 2019 - 2020, huyện sáp nhập 2 trường mầm non: Tân Tiến và Tú Trĩ thành Trường Mầm non Tân Tú. Trưởng phòng GD&ĐT Đặng Hữu Dương cho biết: Chủ trương sáp nhập đã giúp huyện tập trung nguồn lực để đầu tư hiệu quả hơn. Trường Mầm non Tân Tú, sau sáp nhập được đầu tư cơ sở vật chất khang trang: Xây mới 4 phòng học, xây dựng sân trường và các công trình phụ trợ khác.
“Trước khi Trường Mầm non Tân Tú được sáp nhập, huyện muốn đầu tư gì cũng phải đắn đo, suy tính; muốn tập trung nguồn lực để xây dựng chuẩn quốc gia cũng khó. Sau sáp nhập, bài toán này đã từng bước được tháo gỡ” – ông Dương chia sẻ và cho biết: Năm 2021, huyện dự kiến sáp nhập thêm Trường Tiểu học Tân Tiến và Trường Tiểu học Tú Trĩ thành Trường Tiểu học Tân Tú; Trường Mầm non Quân Bình và Trường Mầm non Hà Vị thành Trường Mầm non Quân Hà.
Giá trị cốt lõi
Tại tỉnh Yên Bái, trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị, toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn bản, khu dân cư. Điều này gây khó khăn trong việc tập trung nguồn lực để đầu tư chuẩn hóa và hiện đại hóa trường lớp. Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: Trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18,19-NQ/TW, tỉnh Yên Bái đã cơ bản hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Theo đó, tỉnh ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án “Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020”.
Đến nay, toàn tỉnh còn 400 trường, giảm 130/530 trường; còn 478 điểm trường, giảm 287/765 điểm trường. Số học sinh được học bán trú tăng trên 11.000 em, tạo điều kiện tốt hơn cho các em đến trường, làm quen với môi trường tập thể, rèn luyện kỹ năng sống. Qua đó, góp phần thu gọn đầu mối, giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức các lớp học ở điểm trường lẻ; đồng thời bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng công tác quản lý, công tác giáo dục, nhất là giáo dục đại trà, giáo dục dân tộc và chăm sóc trẻ em vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo ông Tuấn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, bằng cách làm sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh đồng thời tập trung ưu tiên, bố trí nguồn vốn và tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục, cơ bản giải quyết khó khăn về phòng học và các công trình thiết yếu phục vụ nhu cầu của học sinh bán trú. Mặt khác, địa phương tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, sơ kết, đánh giá, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh và linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm trong quá trình sắp xếp các cơ sở giáo dục, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao đổi: Trước hết, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, với quyết tâm cao, đi kèm với hành động quyết liệt của người đứng đầu. Phải thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ trên quan điểm dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân, lấy sự đồng thuận của nhân dân làm cốt lõi, lấy hiệu quả là mục tiêu để thực hiện.
Ngoài ra, thực hiện nghiêm mục tiêu tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mặt khác, thống nhất phân bổ ngân sách, theo hướng khoán, đặt hàng, giao nhiệm vụ trong hệ thống chính trị và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trước hết với giáo dục mầm non. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời chi trả chính sách những đối tượng thuộc diện sau sắp xếp.