Quy định mới về bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, không chỉ là mối quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, của các cơ quan chủ quản mà còn là mối quan tâm trực tiếp của mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). 

Bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu và uy tín của trường nghề
Bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu và uy tín của trường nghề

Hệ thống bảo đảm chất lượng của các cơ sở GDNN tuy đã được hình thành nhưng còn mang tính tự phát, rời rạc và chưa mang tính hệ thống, chưa tiếp cận với các mô hình quản trị hiện đại. Trước yêu cầu đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN, Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/02/2018.

Phải có tổ chức nhân sự bảo đảm chất lượng

Thông tư quy định về nguyên tắc, yêu cầu, quy trình xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN, đồng thời hướng dẫn và yêu cầu cơ sở GDNN triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong mang tính hệ thống, khoa học, công khai, minh bạch, liên tục và không ngừng cải tiến nhằm đạt được mục tiêu chất lượng và các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Các cơ sở GDNN bắt buộc phải có tổ chức nhân sự bảo đảm chất lượng; quy định bắt buộc xây dựng các quy trình, công cụ cho một số hoạt động như: xây dựng, lựa chọn, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo; tuyển sinh; kiểm tra, thi, xét, công nhận tốt nghiệp; đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học; tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, phân loại nhà giáo, cán bộ quản lý; quản lý, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị; quản lý xưởng; khảo sát học sinh sau tốt nghiệp; khảo sát doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, còn lại tùy điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và theo yêu cầu đặt ra, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức xây dựng các quy trình, công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng.

Điểm mới của Thông tư yêu cầu các cơ sở GDNN phải xây dựng hệ thống thông tin quản lý, trong đó quy định về cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin; nguyên tắc xây dựng cơ sở dữ liệu mở, có khả năng mở rông, cập nhật khi cần thiết, ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp. Đây là hành lang pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm chất lượng, quy định việc thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng và kết nối cơ sở dữ liệu của cơ sở GDNN với hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Theo quy định mới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ thuận lợi hơn trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến toàn ngành, thông tin bảo đảm cập nhật, chính xác, thông suốt, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về GDNN, giảm bớt thủ tục, giấy tờ, thời gian báo cáo… góp phần đổi mới quản trị nhà trường, cải cách thủ tục hành chính.

Bà Trần Thị Thu Hà Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng Giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục GDNN) cho biết: “Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN được ban hành là căn cứ pháp lý quan trọng, đồng thời là văn bản hướng dẫn để các cơ sở GDNN, đặc biệt là các trường cao đẳng, trường trung cấp xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo. Bảo đảm chất lượng là một quá trình liên tục và không có điểm dừng, đòi hỏi các trường phải xây dựng một hệ thống bảo đảm chất lượng phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của trường, duy trì hoạt động của hệ thống, thực hiện đánh giá và cải tiến liên tục hệ thống bảo đảm chất lượng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu và uy tín của trường trong xu thế cạnh tranh, hội nhập và toàn cầu hóa.”

Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH được áp dụng cho trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng không áp dụng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp và chương trình đào tạo nhóm ngành đào tạo giáo viên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.