Ông chia sẻ suy nghĩ của mình về những thay đổi của ngành Giáo dục thời gian qua trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 Khoá XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo?
- Sau gần bốn năm triển khai thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả quan trọng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự tham gia góp ý thẳng thắn, tâm huyết và hiệu quả của các nhà khoa học, quản lý; sự đồng thuận của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, nhất là tinh thần lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn trao Bằng khen cho HS có nhiều thành tích trong học tập. |
Hệ thống giáo dục quốc dân đã từng bước được đảm bảo linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ đào tạo, phù hợp với khu vực và quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học, góp phần hình thành xã hội học tập.
Nhiều vấn đề bức thiết của giáo dục, nhiều nội dung được đề cập từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tiếp tục được quan tâm giải quyết; các nút thắt, những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện rõ hơn và đề ra nhiều giải pháp để giải quyết. Gần đây trong một cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định “cho đến nay, giáo dục đã có đường ra”.
Việc đổi mới cách đánh giá, tổ chức thi ở các cấp học đã đem lại những kết quả nhất định. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh phổ thông được cải thiện; chất lượng học sinh giỏi được giữ vững ở mức cao; chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có bước chuyển biến tích cực.
Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được quan tâm và có tiến bộ rõ rệt. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cấp, ở mọi vùng miền đã được cải thiện; công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm hơn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được triển khai bước đầu có hiệu quả. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với 94,7% số trẻ nhà trẻ, 88,6% số trẻ mẫu giáo được ăn bán trú.
Giáo dục tiểu học tăng thêm 334 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia tiểu học đạt tỷ lệ 55,1% tổng số trường trên cả nước. Giáo dục trung học tích cực đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hóa, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tạo tiền đề cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Người mẹ thứ hai |
Các đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực đạt thành tích cao với 14 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 04 Huy chương Đồng; thi khoa học kỹ thuật quốc tế đạt năm giải chính thức…
Tôi cũng rất chia sẻ với ngành Giáo dục trong quá trình thực hiện không tránh khỏi có những lúng túng nhất định trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mới và khó. Thực tiễn còn những hạn chế đặt ra cần quan tâm giải quyết như: Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của một số địa phương chưa sát với thực tiễn, chưa chủ động trong việc lồng ghép, huy động các nguồn lực để triển khai.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng giáo dục đại trà chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn hạn chế về năng lực, kỹ năng thực hành, khả năng thích ứng với nghề nghiệp. Cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền chưa cân đối.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập. Chương trình, giáo trình, phương pháp dạy học chưa thật sự phát huy tinh thần tự học và tư duy sáng tạo của người học, chưa gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất. Tình trạng sinh viên ra trường làm trái ngành nghề được đào tạo và thất nghiệp còn nhiều.
Để đổi mới giáo dục thành công, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của ngành Giáo dục mà còn cần sự vào cuộc, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ông cho biết sự vào cuộc của MTTQ Việt Nam cùng ngành Giáo dục trong sự nghiệp đổi mới hiện nay?
- MTTQ Việt Nam sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ là Ủy viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, cùng phối hợp những công việc quan trọng để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp đã, đang và sẽ giám sát việc thực hiện các vấn đề mà nhân dân quan tâm trong công tác giáo dục, đào tạo. Phát huy vai trò của các Hội đồng Tư vấn của MTTQ Việt Nam các cấp, MTTQ Việt Nam tham gia góp ý vào quá trình đổi mới, nhất là các vấn đề liên quan đến đội ngũ 1,2 triệu giáo viên, 200 nghìn cán bộ quản lý hiện nay.
Người chở đò vĩ đại |
Vừa qua, Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức phản biện dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Vận động trẻ em, học sinh khắc phục khó khăn để đến trường nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Cùng tạo môi trường lành mạnh ở gia đình, khu dân cư để các em có môi trường giáo dục tốt nhất.
Thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ Việt Nam sẽ cùng Hội Khuyến học các cấp thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, phát triển và củng cố 11.142 Trung tâm hoạt động cộng đồng ở 99,8% số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, cả nước có hơn 8,4 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; 65.203 chi tộc đạt danh hiệu dòng họ hiếu học và 70.356 thôn, bản, ấp, tổ dân phố, trường học... đạt danh hiệu đơn vị khuyến học.
Thông qua Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ cùng với ngành Giáo dục tổ chức thực hiện phong trào một cách phù hợp, thiết thực nhất để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo trong học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên và nhà quản lý….
Thông qua việc vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ ưu tiên giúp đỡ những trường hợp gia đình bị khó khăn, hoạn nạn để con em họ được đi học, vận động các chương trình an sinh xã hội để xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất ở những nơi còn nhiều khó khăn; cùng chăm lo việc làm của sinh viên sau khi ra trường và hỗ trợ các trường hợp giáo viên gặp nhiều khó khăn. Phát huy hơn nữa vai trò của các tôn giáo trong công tác giáo dục mầm non.
Niềm vui sau giờ thi |
Ông có những góp ý gì đối với ngành Giáo dục để thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo?
- Nói đến giáo dục là nói đến con người, đó là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội, không thể chủ quan, đặc biệt không thể né tránh khi làm chưa đúng, chưa tốt. Quá trình vừa đổi mới vừa tìm tòi đã cho ngành Giáo dục nhiều bài học quý giá về bước đi, lộ trình thích hợp.
Để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, ngành Giáo dục đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp. Trách nhiệm thực hiện nghị quyết là của cả hệ thống chính trị nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo là nòng cốt, chủ lực, một đầu mối quan trọng trong thực hiện Nghị quyết.
Trong tuyên truyền, cần hướng đến sự đồng thuận của xã hội, chú trọng tôn vinh, nêu gương rất nhiều điển hình tiên tiến trong ngành Giáo dục. Đổi mới chương trình phải có cách tiếp cận mới, tập trung vào xây dựng phẩm chất và phát triển năng lực.
Chúng ta không theo hướng giảng đạo đức mà cần phải thay đổi phương pháp, hướng các em tới những tình huống giáo dục cụ thể, nêu những tấm gương cụ thể, gắn nhiều hơn với các hoạt động ngoại khóa để các em tự soi vào và hoàn thiện nhân cách của mình.
Giai đoạn tới đây, ngành Giáo dục và Đào tạo cần phấn đấu để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, triển khai hiệu quả các giải pháp đổi mới. Toàn ngành tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục mầm non cần tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học, chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng. Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội.
Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông kịp thời, bảo đảm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của nghị quyết Quốc hội đã đề ra.
Đối với một số vấn đề cụ thể mà xã hội đang rất quan tâm như: Về xây dựng bộ sách giáo khoa mới, xã hội luôn có đòi hỏi về cả tiến độ và chất lượng, nội dung làm sao để hài hòa, tiếp thu được phương pháp của thế giới và vẫn có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thế hệ tương lai |
Giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp phải nghiên cứu để tránh đào tạo lãng phí mà không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Phương pháp, kiểm tra, đánh giá kết quả các kỳ thi cần tiếp tục được nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hợp lý hơn, giảm áp lực cho xã hội. Liên quan đội ngũ quản lý và giảng dạy, thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, kỹ năng, trình độ quản lý.
Về nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, giáo viên, từ Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII đã đặt ra yêu cầu lương phải bảo đảm cho cuộc sống của giáo viên, vì vậy cần tiếp tục tham mưu, ban hành chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách đặt ra.
Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Với sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân, ngành Giáo dục và Đào tạo hãy đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thành công nhiệm vụ đề ra.
Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục nỗ lực phấn đấu, tận tâm với trọng trách chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” cao quý, vẻ vang và đáng tự hào. Mỗi sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và khát vọng xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và xã hội; nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, giàu đẹp.
“Tôn sư trọng đạo” vốn đã trở thành đạo lý, là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Ngày 20 tháng 11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày mà toàn xã hội dành cả sự tôn kính, hướng về đội ngũ thầy cô giáo, những người ươm mầm tài năng cho đất nước. Tôi cũng xin chia sẻ, ghi nhận sự nỗ lực hết mình của các thầy cô đang vượt qua khó khăn, thử thách đưa học trò trở lại với trường học tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ vừa qua. Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi trân trọng gửi tới các giáo sư, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Xin cảm ơn ông!