Dạy và học phải quyết liệt ngay từ đầu
Chia sẻ những điểm mới đáng chú ý trong Thông tư 22, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp nhấn mạnh đến thay đổi trong tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và cả năm học. Cụ thể, học sinh được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt, thay vì theo 5 loại là: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Trong đó không còn tính điểm trung bình các môn học kỳ, cả năm.
Quy định mới cũng không còn phân biệt môn chính, môn phụ giúp học sinh có điều kiện thể hiện năng lực, hạn chế học lệch và việc giảng dạy của giáo viên các môn thuận lợi hơn;
Đồng thời, bỏ xếp loại hạnh kiểm thay bằng đánh giá kết quả rèn luyện giúp đánh giá học sinh sát thực tế hơn, học sinh tự nhận xét và được nhận xét nhiều hơn tạo điều kiện tốt điều chỉnh bản thân.
Xóa bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, chỉ khen thưởng học sinh sinh giỏi, xuất sắc và khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.
“Với quy định mới, học sinh sẽ phấn đấu học tập đều các môn để được đánh giá mức Đạt hoặc cao hơn, vì các môn được đánh giá riêng lẻ nên không thể trông chờ kết quả môn này sẽ kéo môn khác như trước đây. Do đó, yêu cầu học sinh phải phát huy hết khả năng của bản thân ở từng môn học, bởi vậy việc đánh giá học sinh sẽ chính xác và toàn diện hơn” – thầy Trần Văn Hân nhận định.
Nghiên cứu Thông tư 22, thầy Trần Văn Hân cũng cho rằng, quy định mới tạo cơ hội lớn cho học sinh trong cải thiện kết quả học tập và rèn luyện. Danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc với yêu cầu toàn diện hơn làm cho học sinh không ngừng phấn đấu vì thấy thực sự danh dự, uy tín hơn. Học sinh sẽ cố gắng đều các môn và có cơ hội cao hơn.
Vấn đề quan trọng là học sinh nhận diện đúng năng lực, có cơ hội điều chỉnh bản thân và khi đạt danh hiệu sẽ cảm thấy được ghi nhận xứng đáng, tự hào hơn. Tránh tình trạng đánh giá lỏng lẻo, khen thưởng tràn lan.
Liên quan đến việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 đặt nặng hơn trọng số vào kết quả học kỳ II, theo thầy Trần Văn Hân, hiện tại, kết quả học lực, hạnh kiểm học kỳ II cũng có tính quyết định hơn kết quả học kỳ I trong xếp loại cuối năm. Nên việc quy định mới tiếp tục đặt năng vào kết quả học kỳ II cũng là phù hợp nhằm giúp học sinh có nhiều điều kiện cố gắng để cải thiện kết quả học tập và rèn luyện.
Bên cạnh đó, với những ràng buộc trong đánh giá cuối năm, học sinh phải quyết tâm ngay từ học kỳ I vì nếu sơ suất ở một hay một số môn thì kết quả học kỳ II sẽ không gánh được như trước đây. Nên việc dạy và học phải quyết liệt ngay từ đầu năm học mới có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của năm học với kết quả cao nhất.
Không để bị động
Triển khai Thông tư 22, thầy Trần Văn Hân cho rằng, việc nghiên cứu, hiểu đầy đủ và vận dụng quy định mới này là tất yếu không thể thay đổi. Không có tâm thế nghiêm túc thì sẽ bị động, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường.
Nắm vững quy định, đặc biệt là những điểm mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó kiểm tra thường xuyên và nhận xét kết quả rèn luyện của học sinh là những nội dung trọng tâm cần tiếp cận sớm.
“Để giáo viên thực hiện tốt quy định đánh giá mới, Trường THPT Mỹ Quý đã tổ chức triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên nội dung và sự cần thiết của Thông tư 22/2021. Tổ chức vận dụng những điểm mới của Thông tư nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đánh giá theo quy định hiện hành để giáo viên từng bước tiếp cận.
Đồng thời, truyền thông để học sinh và cha mẹ học sinh biết lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cùng với đó là những thay đổi về kiểm tra, đánh giá trong năm học tới; từng bước tạo sự đồng thuận và ủng hộ khi thực hiện, tránh những xáo trộn hoặc tâm lý lo lắng” – thầy Hân chia sẻ.
Riêng với nội dung đánh giá bằng nhận xét, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý cho biết, nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ quy định mới và khuyến khích vận dụng những điểm mới phù hợp với đánh giá hiện tại (không làm phát sinh thêm hồ sơ theo quy đinh). Khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Sở GD&ĐT, nhà trường sẽ có kế hoạch chi tiết để hướng dẫn thực hiện một cách kịp thời.
Giáo viên thường rất nhiệt tình, quyết tâm nhưng đôi khi ngại thay đổi. Nên việc triển khai và hướng dẫn thực hiện quy định mới phải thống nhất, cụ thể những việc phải làm, gợi ý cách thực thực hiện sẽ thành công, tránh trường hợp hướng dẫn, tổ chức thực hiện không nhất quán.
Cần khuyến khích giáo viên tìm tòi, nghiên cứu các hình thức tổ chức đánh giá, tránh quay lại cách đánh giá đơn điệu, hình thức, đảm bảo số cột điểm theo quy định mà không tạo được sự đa dạng để giúp học sinh phát triển hết năng lực, phẩm chất cá nhân.
Việc định hướng, đôn đốc, theo dõi quá trình đánh giá của giáo viên trong giai đoạn ban đầu rất quan trọng, để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Trong đó, thường xuyên tổ chức trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm trong đánh là việc làm rất cần thiết.
“Có một số băn khoăn khi cùng lúc phải thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá như hiện tại và phải thực hiện chương trình, đánh giá mới đối với khối 10. Hầu hết giáo viên phải thực hiện đồng thời hai nội dung trên nên chưa quen sẽ có những bất cập nhất định, ngay cả trong khâu quản lý của nhà trường.
Trường sẽ sớm xây dựng các kế hoạch về tiếp tục nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và từng môn, triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh. Lưa chọn trước những giáo viên dự kiến sẽ giảng dạy khối 10 năm tới để có tâm thế chuẩn bị tốt nhất.
Trường sẽ nghiên cứu các phương án để thực hiện trong giai đoạn đầu để hỗ trợ giáo viên như bố trí giáo viên phù hợp, thậm chí có thể nghiên cứu xếp thời khóa biểu để giáo viên trong một ngày hay một buổi chỉ dạy một chương trình để có sự tập trung cao nhất”.
Thầy Trần Văn Hân