Sửa đổi cách đánh giá học sinh trung học: Giảm áp lực

Sửa đổi cách đánh giá học sinh trung học: Giảm áp lực

Không đóng khung một cách đánh giá

Nhận định về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT (Dự thảo), ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng: Có nhiều điểm mới, đặc biệt là cách kiểm tra và số lượng bài kiểm tra.

“Việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT lâu nay khiến học sinh liên tục phải thực hiện các bài kiểm tra; đội ngũ thầy cô giáo cũng vất vả khi phải chấm nhiều bài kiểm tra trong năm học. Ví dụ, môn Ngữ văn lớp 9 hiện nay có 7 điểm kiểm tra định kỳ và 5 điểm kiểm tra thường xuyên trong mỗi học kỳ. Vì thế, chỉ trừ một số tuần đầu, tuần cuối học kỳ, các tuần còn lại bình quân có 1 bài kiểm tra. Trong khi đó, quy định tại Dự thảo, về kiểm tra đánh giá thường xuyên, môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học có 2 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có từ trên 35 tiết đến 70 tiết/năm học có 3 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có từ trên 70 tiết/năm học có 4 điểm đánh giá thường xuyên. 

Với kiểm tra, đánh giá định kỳ, mỗi môn học có 1 điểm đánh giá giữa kỳ và 1 điểm đánh giá cuối kỳ. Như vậy, điểm kiểm tra định kỳ giảm đi rất nhiều, đây là điều cần thiết và cũng thống nhất giữa các cấp học. Đồng thời, góp phần giảm áp lực kiểm tra, điểm số cho học trò và cả áp lực công việc cho giáo viên” – ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Bên cạnh ưu điểm trên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy cũng đánh giá tích cực về hình thức kiểm tra được quy định trong Dự thảo. Theo đó, hình thức kiểm tra đa dạng hơn như: Hỏi - đáp, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, thuyết trình, sản phẩm học tập… Đây là khác biệt tạo ra sự đa dạng trong kiểm tra chứ không “đóng khung” như trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT, nên sẽ thuận lợi hơn cho cả thầy, trò trong quá trình giảng dạy, học tập. Việc thay đổi hình thức kiểm tra đồng thời giúp đánh giá theo chiều hướng tích cực hơn để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo tinh thần đổi mới.

Sửa đổi cách đánh giá học sinh trung học: Giảm áp lực ảnh 1
Đánh giá học sinh trong cả quá trình học tập và phát huy năng lực là điểm mới trong Dự thảo (Trong giờ học tại Trường THCS Hùng Vương, Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại

Đánh giá cả quá trình, không chỉ là điểm số

Cô Phạm Thị Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học & THCS An Vũ (Thái Bình) cho rằng: Đây là bước đệm để tiệm cận dần với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần từ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo cách tiếp cận nội dung (kiến thức, kỹ năng), sang định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học; hướng tới dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Từ đó, giáo viên, cán bộ quản lý sẽ không bỡ ngỡ khi triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đánh giá cao một số nội dung mới đáng chú ý trong Dự thảo theo hướng đánh giá không phải chỉ để cho điểm mà vì sự tiến bộ của người học, cô Phạm Thị Ngọc cũng đồng thời băn khoăn khi Dự thảo thay thế “yếu” bằng “cần rèn luyện thêm”. “Học sinh được xếp loại nào thì yêu cầu cần rèn luyện thêm vẫn được đặt ra. Rõ ràng, cần rèn luyện thêm không mang nghĩa xác định rõ ràng. Vậy nên, dùng từ “yếu” là thích hợp” – cô Ngọc nêu lý do.

Nhận định quy định tại Dự thảo “mỗi môn học có một điểm đánh giá giữa kỳ và một điểm đánh giá cuối kỳ” là phù hợp với xu hướng giảm áp lực cho học sinh, tuy nhiên, các thầy cô Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (An Giang) góp ý thêm: Điểm này áp dụng với các bộ môn có nhiều kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) hoặc môn có hai phân môn (đại số, hình học) khi chỉ thực hiện một bài kiểm tra giữa kỳ thì lượng kiến thức kiểm tra lại nhiều hơn so với kiểm tra 45 phút bình thường trước đây; hoặc các bộ môn thực hiện kiểm tra trong thời điểm giữa học kỳ có thể gây áp lực cho học sinh trong cùng thời gian. 

Do đó, đề nghị Thông tư sửa đổi cần nghiên cứu kỹ điểm này khi ban hành thực hiện. Các thầy cô cũng đồng thuận với việc dùng ngoại ngữ là một trong 3 môn để xếp loại học lực của học sinh. Tuy nhiên cần điều chỉnh loại giỏi yêu cầu môn ngoại ngữ điểm trung bình là 7,5, loại khá là 6,5, vì điều kiện học tập vùng nông thôn còn khó khăn.

Chúng tôi cho rằng Dự thảo Thông tư lần này phù hợp hơn với thực tế. Dự thảo này chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao khi Bộ GD&ĐT triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong giáo viên, học sinh và phụ huynh. - Ông Nguyễn Anh Tuấn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.