Giao lưu trực tuyến “Đổi mới đánh giá học sinh: Không còn môn chính, môn phụ”

“Đổi mới đánh giá học sinh: Không còn môn chính, môn phụ” là chủ đề giao lưu trực tuyến trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h30 - 11h00 thứ Ba, ngày 31/8/2021.

Giao lưu trực tuyến “Đổi mới đánh giá học sinh: Không còn môn chính, môn phụ”

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang;

- Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp;

- Cô Nguyễn Thị Mai Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh. 

Ngày 20/7/2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Thông tư có nhiều điểm mới với yêu cầu đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

Đặc biệt, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.

Quy định trong Thông tư 22 cũng thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ. Ngoài việc chống học lệch (coi trọng học Toán, Văn, Ngoại ngữ), học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau. Học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội…

Tuy nhiên, với cách đánh giá mới, không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Việc triển khai quy định đánh giá mới thế nào, chuẩn bị tại các nhà trường ra sao, có những nội dung gì cần lưu ý… sẽ được các khách mời chia sẻ tại giao lưu.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com hoặc tương tác qua facebook của Báo.

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh

Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Trưởng phòng GD Trung học- GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang

Bạn đọc

Bạn Thaianhtruong@...:

Từ năm học 2022-2023, trường THPT sẽ thực hiện đồng thời 2 quy định về đánh giá học sinh. Theo thầy, điều này có khiến đội ngũ giáo viên gặp khó khăn gì không?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Có một số băn khoăn khi cùng lúc phải thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá như hiện tại và phải thực hiện chương trình, đánh giá mới đối với khối 10. Hầu hết giáo viên phải thực hiện đồng thời hai nội dung trên nên chưa quen, sẽ có những bất cập nhất định, ngay cả trong khâu quản lý của nhà trường.

Trường sẽ sớm xây dựng các kế hoạch về tiếp tục nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và từng môn, triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh. Lựa chọn trước những giáo viên dự kiến sẽ giảng dạy khối 10 năm tới để thầy cô có tâm thế chuẩn bị tốt nhất.

Trường sẽ nghiên cứu các phương án để thực hiện trong giai đoạn đầu nhằm hỗ trợ giáo viên như bố trí giáo viên phù hợp, thậm chí có thể nghiên cứu xếp thời khóa biểu để giáo viên trong một ngày hay một buổi chỉ dạy một chương trình để có sự tập trung cao nhất.

Bạn đọc

Bạn Bình Minh – Đồng Tháp:

Vấn đề nhiều trường quan tâm khi triển khai cách đánh giá mới là xây dựng được đề kiểm tra đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông. Rất mong được ông chia sẻ kinh nghiệm với nội dung này.
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Để đánh giá đúng thực chất, hiệu quả giảng dạy thì đề kiểm tra là thước đo quyết định nhất. Từ khâu xây dựng đề cương ôn tập, ma trận, đặc tả đề hoặc hướng dẫn, tiêu chí đánh giá để có được đề kiểm tra đáp ứng yêu cầu môn học theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải được đầu tư nghiêm túc.

Trong bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị thực hiện chương trình mới có riêng Modul 3 kiểm tra, đánh giá học sinh THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Từ đây các nhà trường, nhất là giáo viên sẽ có thêm định hướng trong các khâu chuẩn bị đề kiểm tra phù hợp.

Bạn đọc

Bạn Truonganh68@...:

Tôi băn khoăn khi việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 đặt nặng trọng số vào kết quả học kỳ II. Việc này theo ông có làm ảnh hưởng đến việc dạy và học trong thời gian học kỳ I? Nhà trường chuẩn bị ứng phó tình trạng này như thế nào?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Hiện tại thì kết quả học lực, hạnh kiểm học kỳ II cũng có tính quyết định hơn kết quả học kỳ I trong xếp loại cuối năm. Nên việc quy định mới tiếp tục đặt năng vào kết quả học kỳ II cũng là phù hợp nhằm giúp học sinh có nhiều điều kiện cố gắng để cải thiện kết quả học tập và rèn luyện.

Với những ràng buộc trong đánh giá cuối năm thì học sinh phải quyết tâm ngay từ học kỳ I vì nếu sơ suất ở một hay một số môn thì kết quả học kỳ II sẽ không gánh được như trước đây. Nên việc dạy và học phải quyết liệt ngay từ đầu năm học mới có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của năm học với kết quả cao nhất.

Bạn đọc

Bạn Thuhanguyen9@...:

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch, chuẩn bị triển khai chương trình mới với lớp 10 từ năm học 2022-2023, trong đó có triển khai đổi mới đánh giá học sinh?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Để triển khai chương trình mới với lớp 10 từ năm học 2022-2023, trong đó có triển khai đổi mới đánh giá học sinh, nhà trường tiếp tục yêu cầu giáo viên nghiên cứu nghiêm túc chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là chương trình môn học mình giảng dạy. Lựa chọn trước một số giáo viên dự kiến tham gia dạy lớp 10 năm học 2022 - 2023 có có tâm thế chuẩn bị tốt nhất khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Từ đó, giáo viên sẽ tiếp cận Thông tư 22 một cách chủ động hơn, dễ dàng hơn phù hợp mục tiêu, yêu cầu của chương trình. Tổ chức triển khai để toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm được nội dung và sự cần thiết của Thông tư 22. Tổ chức vận dụng những điểm mới của Thông tư nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đánh giá theo quy định hiện hành để giáo viên từng bước tiếp cận.

Truyền thông để học sinh và cha mẹ học sinh biết lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và những thay đổi về kiểm tra, đánh giá trong năm học tới nhằm từng bước tạo sự đồng thuận và ủng hộ khi thực hiện, tránh những xáo trộn hoặc tâm lý lo lắng.

Bạn đọc

Bạn Tranhonganh@...:

Thông tư 22 quy định: Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh. Xin ông cho biết, nhà trường dự kiến thực hiện việc lấy ý kiến “phản hồi” này như thế nào?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Hiện tại việc phản hồi thông tin từ cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng đã được thực hiện nhưng chưa cụ thể, hiệu quả có lúc chưa cao.

Trong khi chờ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Sở GD&ĐT để thực hiện thống nhất, trong năm học này thông qua kế hoạch phối hợp với cha mẹ học sinh, địa phương - trường sẽ nêu rõ những nội dung thông tin cần sự phản hồi để nhà trường thu thập được thông tin đầy đủ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ đánh giá học sinh. Từ đó, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kế hoạch cụ thể về nội dung, hình thức phản hồi thông tin để có bước chuẩn bị chu đáo để thực hiện trong năm học 2022-2023.

Bạn đọc

Bạn Hương Anh – Hà Nội:

Tôi cho rằng, đánh giá thường xuyên là rất quan trọng và việc Bộ GD&ĐT chú trọng đánh giá thường xuyên là quan điểm tiến bộ. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng sử dụng hiệu quả để phát huy tác dụng tiến bộ của đánh giá thường xuyên. Rất mong được nghe chia sẻ kinh nghiệm của ông về nội dung này?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp.
Thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp.

Giáo viên phải thấy được rằng, theo quy định mới, việc đánh giá thường xuyên có nhiều ý nghĩa: đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo yêu cầu cần đạt của chương trình, cung cấp thông tin phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học, giúp học sinh tiến bộ và đa dạng hình thức thức hiện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giúp học sinh tiến bộ trong học tập, rèn luyện và cải thiện kết quả.

Cần khuyến khích giáo viên tìm tòi, nghiên cứu các hình thức tổ chức đánh giá, tránh quay lại cách đánh giá đơn điệu, hình thức, đảm bảo số cột điểm theo quy định mà không tạo được sự đa dạng để giúp học sinh phát triển hết năng lực, phẩm chất cá nhân.

Việc định hướng, đôn đốc, theo dõi quá trình đánh giá của giáo viên trong giai đoạn ban đầu là rất quan trọng, để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Trong đó, thường xuyên tổ chức trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm trong đánh là việc làm rất cần thiết.

Bạn đọc

Bạn Ngominhanh@...:

Theo quy định hiện hành, học sinh được khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Nhưng quy định mới chỉ có mức xuất sắc, giỏi và yêu cầu cũng cao hơn. Vậy theo ông việc giảm số lượng học sinh được khen thưởng liệu có làm giảm động lực phấn đấu của học sinh?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Quy định mới tạo cơ hội rất lớn cho học sinh trong cải thiện kết quả học tập và rèn luyện. Danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc với yêu cầu toàn diện hơn làm cho học sinh không ngừng phấn đấu vì thấy thực sự danh dự, uy tín hơn. Vấn đề quan trọng là học sinh nhận diện đúng năng lực có cơ hội điều chỉnh bản thân và khi đạt danh hiệu thì sẽ cảm thấy được ghi nhận xứng đáng, tự hào hơn. Tránh tình trạng đánh giá lỏng lẻo, khen thưởng tràn lan.

Bạn đọc

Bạn Lanhuongle@...:

Triển khai cách đánh giá mới, vấn đề giáo viên quan tâm nhất là đánh giá bằng nhận xét. Theo ông, nên triển khai thế nào để việc đánh giá bằng nhận xét bảo đảm yêu cầu mà không tạo áp lực công việc cho giáo viên?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Triển khai đánh giá bằng nhận xét, nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ quy định mới và khuyến khích vận dụng những điểm mới phù hợp với đánh giá hiện tại (không làm phát sinh thêm hồ sơ theo quy định). Khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Sở GD&ĐT, nhà trường sẽ có kế hoạch chi tiết để hướng dẫn thực hiện một cách kịp thời.

Giáo viên thường rất nhiệt tình, quyết tâm nhưng đôi khi ngại thay đổi. Nên việc triển khai và hướng dẫn thực quy định mới hiện phải thống nhất, cụ thể những việc phải làm, gợi ý cách thực hiện thì sẽ thành công, tránh trường hợp hướng dẫn, tổ chức thực hiện không nhất quán.

Bạn đọc

Bạn tranlan8x@...:

Nhà trường đã có những chuẩn bị như thế nào để giáo viên thực hiện tốt quy định đánh giá mới?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Để giáo viên thực hiện tốt quy định đánh giá mới, Trường THPT Mỹ Quý đã tổ chức triển khai để toàn thể cán bộ, giáo viên nắm được nội dung và sự cần thiết của Thông tư 22/2021. Tổ chức vận dụng những điểm mới của Thông tư nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu đánh giá theo quy định hiện hành để giáo viên từng bước tiếp cận.

Đồng thời, truyền thông để học sinh và cha mẹ học sinh biết lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cùng với đó là những thay đổi về kiểm tra, đánh giá trong năm học tới; từng bước tạo sự đồng thuận và ủng hộ khi thực hiện, tránh những xáo trộn hoặc tâm lý lo lắng.

Bạn đọc

Bạn Minhnguyenhp@...:

Theo quy định mới, Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh không còn là môn điều kiện để xét danh hiệu học sinh giỏi. Tôi cho rằng, đây là 3 môn học rất quan trọng, là môn thi bắt buộc trong xét tốt nghiệp THPT. Vậy liệu quy định mới có làm giảm động lực học Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh với học sinh hay không?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Thầy trò Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp học trực tuyến để "tạm dừng đến trường, không dừng học"
Thầy trò Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp học trực tuyến để "tạm dừng đến trường, không dừng học"

Quy định mới để xét danh hiệu học sinh giỏi theo Thông tư 22, học sinh sẽ cố gắng đều các môn và có cơ hội cao hơn. Thực tế, không phải học sinh nào cũng học tốt Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nên chỉ xét điều kiện quanh các môn này tạo áp lực rất lớn cho học sinh.

Quy định mới sẽ có ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số đạt 8,0 điểm, nên nếu học sinh có năng lực tốt 3 môn này thì sẽ có lợi thế rất lớn. Các em duy trì tốt kết quả học tập cùng ý thức đúng chuẩn bị trước cho việc thi tốt nghiệp THPT sau này thì động lực học tập sẽ tốt hơn, không chỉ 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh mà còn các môn khác với định hướng lâu dài.

Bạn đọc

Bạn Phuonganhvu@...:

Xin cô cho biết, ưu điểm xoá ranh giới môn chính – môn phụ thể hiện trong Thông tư 22 cụ thể như thế nào?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Với cách đánh giá này quan niệm môn chính - môn phụ cũng sẽ được xoá bỏ, các môn học được đánh giá công bằng như nhau. Trước đây, nếu học sinh học yếu ở môn này sẽ nỗ lực ở môn khác để “gánh” điểm, nhưng với cách đánh giá mới,sẽ không có chuyện môn này “gánh” cho môn kia. 

Cách đánh giá mới coi học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Tôi nghĩ khi học lên THPT, tính phân hoá, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này.

Bạn đọc

Bạn Tuong Vy – Thanh Hoá:

Với những điểm mới tại thông tư 22 của Bộ, cô còn vấn đề gì băn khoăn và trăn trở, đồng thời nhắn nhủ gì với đội ngũ giáo viên và học trò của mình?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Như đã đề cập ở trên, việc đổi mới trong Giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường luôn là nhiệm vụ xuyên suốt. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới thì trước hết giáo viên phải tự đổi mới, thích nghi. Các nhà trường luôn phải chú trọng công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, mỗi một giáo viên phải luôn nỗ lực tự học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh đó, việc thực hiện thông tư mới trong những năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn do giáo viên đã quen với cách đánh giá cũ. Nên cần có hướng dẫn cụ thể để tránh việc dễ hiểu sai khiến việc đánh giá bằng nhận xét dễ sa vào sử dụng hình thức không phù hợp, theo lối mòn khiến việc này trở nên không thực chất.

Từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên hợp lý phát huy tính tự chủ của giáo viên trong dạy học. Ảnh tư liệu
Từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên hợp lý phát huy tính tự chủ của giáo viên trong dạy học. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Maithuah@...:

Phụ huynh sẽ cùng giáo viên tham gia đánh giá sự tiến bộ của học sinh, vậy cụ thể cha mẹ cần làm những gì, tôi băn khoăn quá vì vợ chồng đi làm ăn xa, cháu ở nhà với ông bà nội đều cao tuổi. Gia đình phải làm thế nào, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Việc trao đổi đánh giá này có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, trực tiếp, gián tiếp. Gia đình không nên quá lo lắng về vấn đề này bởi trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, không khó khăn để chúng ta tiếp nhận, trao đổi  để có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình.

Bên cạnh sự quản lý giáo dục của nhà trường, trong mọi hoàn cảnh gia đình phải khắc phục khó khăn phối hợp cùng nhà trường để kèm cặp, quản lý đôn đốc và hỗ trợ con em trong quá trình học tập. Ví dụ như: Phụ huynh sẽ cùng trao đổi giáo viên thường xuyên để nắm bắt tình hình con em mình; Trò chuyện, trao đổi tâm sự định hướng kịp thời cho con từ xa qua các kênh thông tin…

Bạn đọc

Bạn Haihatran@...:

Đâu là những nội dung quan trọng ông muốn quán triệt đến đội ngũ của mình về Thông tư 22? Theo ông, nội dung quan trọng nhất cần lưu ý là gì?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có lộ trình cụ thể và để đảm bảo thì hoạt động đánh giá học sinh cũng phải có thay đổi, phải phù hợp yêu cầu của chương trình. Nên việc nghiên cứu, hiểu đầy đủ và vận dụng Thông tư 22 là tất yếu không thể thay đổi. Không có tâm thế nghiêm túc thì sẽ bị động, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường.

Nắm vững quy định, đặc biệt là những điểm mới trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó kiểm tra thường xuyên và nhận xét kết quả rèn luyện của học sinh là những nội dung trọng tâm cần tiếp cận sớm. Đó là những nội dung tôi sẽ quán triệt đến đội ngũ của mình khi triển khai thực hiện Thông tư 22.

Bạn đọc

Bạn Duongchin9@..:

Một điểm mới trong thông tư 22 của Bộ GD&ĐT là phụ huynh sẽ tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình. Nhà trường đã có kế hoạch gì để hoạt động này thực sự đạt hiệu quả? .
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Đưa các trò chơi dân gian vào trong trường học
Đưa các trò chơi dân gian vào trong trường học

 

Ngay sau khi có văn bản về việc thực hiện thông tư 22 của Bộ, Nhà trường đã chủ động có kế hoạch để chuyển tải nội dung thông tư này đến phụ huynh học sinh. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên nhà trường đang xây dựng kế hoạch lập diễn đàn trao đổi giải đáp những vấn đề vướng mắc, góp ý của phụ huynh về các nội dung. Phía nhà trường sẽ cùng đồng hành và có định hướng cho giáo viên, phụ huynh, học sinh được công việc mình cần phải thực hiện trong quá trình giảng dạy, tham gia tương tác và học tập.

Việc sử dụng rộng rãi các kênh thông tin: nhóm zalo nội bộ, sổ liên lạc điện tử, các phần mềm trực tuyến… sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc tương tác giữa nhà trường và gia đình. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn sẽ thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh trong việc phối hợp quản lý, hỗ trợ cũng như đánh giá học sinh thông qua nhiều kênh khác nhau.

Bạn đọc

Bạn Tuminhdao@...:

Tôi tự hỏi việc thay đổi đánh giá học sinh có thay đổi được vấn đề cốt lõi của giáo dục là học thật, thi thật khi phần lớn phụ huynh vẫn mong con đỗ vào trường này, trường kia khiến giáo viên chịu nhiều áp lực? Cô có nhắn nhủ gì tới phụ huynh về vấn đề này?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Bất cứ một sự thay đổi nào mang tính lâu dài thì cũng cần có thời gian. Nhưng cá nhân tôi tin rằng, với sự đổi mới đồng bộ của nền Giáo dục từ nội dung, hình thức, chương trình dạy học… sẽ dần thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực một học sinh. Đây là thay đổi rất quan trọng, là sự tiến bộ rất lớn bởi nó thể hiện thống nhất mục tiêu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và tiếp cận đánh giá vì sự tiến bộ, giúp người dạy, người học tự điều chỉnh quá trình giáo dục, giúp kết quả giáo dục bền vững mà quốc tế đã và đang thực thi.

Chắc hẳn, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có sự thay đổi về các thứch, yêu cầu của các kỳ thi để phù hợp, giải tỏa được sự lo lắng, băn khoăn của phụ huynh và dần dần từng bước sẽ giảm được áp lực cho giáo viên.

Bạn đọc

Bạn Minhhangdo@...:

Cô ơi, từ năm nay chúng em được tự đánh giá sự tiến bộ của mình, đánh giá chéo bạn trong lớp nhưng bản thân lại nhút nhát, không tự tin nói trước đám đông, vậy có ảnh hưởng đến kết quả học tập của em không ạ?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Theo cô, điều đáng lo ngại là không nhìn thấy vấn đề của bản thân, còn với em đã nhìn thấy mình nhút nhát, chưa tự tin, và băn khoăn về vấn đề này thì cô tin chắc em sẽ có quyết tâm thay đổi. Một khi em mạnh dạn chia sẻ những khó khăn của mình, em sẽ được các thầy cô, gia đình và bạn bè hỗ trợ, động viên.

Cùng với sự nỗ lực của bản thân cô tin là em sẽ vượt lên chính mình, dần dần em sẽ tìm được niềm vui, tìm được sự tự tin. Cô tin rằng em sẽ nhận thấy mình cần phải thay đổi để tốt hơn. Đây cũng là 1 sự tiến bộ, điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập của em, cô tin là em làm được.

Chúc em thành công trong năm học mới!

Từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên hợp lý phát huy tính tự chủ của giáo viên trong dạy học. Ảnh tư liệu
Từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên hợp lý phát huy tính tự chủ của giáo viên trong dạy học. Ảnh tư liệu

 

Bạn đọc

Bạn Tuonglinh@...:

Trước đây học sinh được đánh giá dựa trên điểm trung bình các môn học, nhưng theo quy định mới thì không. Điều này có ảnh hưởng đến đánh giá chính xác và toàn diện học lực của học sinh hay không?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Với quy định mới, học sinh sẽ phấn đấu học tập đều các môn để được đánh giá mức Đạt hoặc cao hơn, vì các môn được đánh giá riêng lẻ nên không thể trông chờ kết quả môn này sẽ kéo môn khác như trước đây. Do đó, yêu cầu học sinh phải phát huy hết khả năng của bản thân ở từng môn học, bởi vậy việc đánh giá học sinh sẽ chính xác và toàn diện hơn.

Bạn đọc

Bạn thungadonganh@...:

Nhà trường đã có phương án gì để giáo viên được trao quyền tự chủ trong việc theo dõi sự tiến bộ của học sinh theo Thông tư mới của Bộ?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Sinh hoạt đội trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch
Sinh hoạt đội trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch

 

Không phải chỉ bây giờ, mà từ trước đến nay chúng tôi luôn coi trọng sự tự chủ của giáo viên trong hoạt động giảng dạy, rèn luyện học sinh.

Ngay khi xây dựng chương trình năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã linh động trọng việc phân công, bố trí chuyên môn hợp lý để tạo hiệu quả quyền tự chủ của giáo viên. Việc này nhằm giúp mỗi giáo viên phát huy năng lực sở trường trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học, theo dõi rèn luyện của học sinh theo từng bộ môn phụ trách… Qua đó, giáo viên cũng chủ động việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh.

Bạn đọc

Bạn binhanhtran@...:

Mọi thay đổi đều không tránh khỏi bỡ ngỡ ban đầu. Để chuẩn bị cho sự thay đổi cách nhận xét, đánh giá học sinh, phía nhà trường đã có những lưu ý gì cho giáo viên ngay từ đầu năm học?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh -Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh
Cô Nguyễn Thị Mai Anh -Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh

 

Việc đổi mới trong Giáo dục là việc thường xuyên, nên theo tôi, giáo viên cũng không quá bỡ ngỡ, tuy nhiên bằng kinh nghiệm của mình tôi cũng có một số lưu ý cho giáo viên. Đó là, cần phải nghiên cứu kỹ thông tư và các văn bản liên quan, so sánh với thông tư cũ có những điểm giống và khác nào, điểm mới của thông tư để thực hiện.

Việc đánh giá học sinh bằng nhận xét, giáo viên sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể nhận xét hết tất cả học sinh.

Theo tôi, lời nhận xét của giáo viên đối với học sinh phải tinh tế để tránh làm tổn thương các em và mang tính khích lệ. giáo viên cần chú ý bao quát tốt để nhận ra sự tiến bộ về mọi mặt của học sinh. Tránh việc đánh giá phiến diện, tránh thiên về cảm tính, tránh tạo cho học sinh tư tưởng bằng lòng với kết quả từ đó giảm tinh thần cầu tiến trong học tập và rèn luyện hoặc nản chí từ các em học sinh khá giỏi.

Bạn đọc

Bạn Quỳnh Chi – Hà Tĩnh:

Học sinh được đánh giá bằng điểm số và nhận xét. Em băn khoăn không biết điểm số quan trọng hay nhận xét của thầy cô quan trọng?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Theo tôi, cả 2 hình thức đều quan trọng như nhau và bổ trợ cho nhau. Đánh giá bằng điểm số thể hiện được năng lực học tập của học sinh. Còn đánh giá bằng nhận xét giúp cho học sinh nhìn nhận sự tiến bộ, mặt hạn chế của mình để có hướng điều chỉnh tốt hơn trong việc học.

Bạn đọc

Bạn Huongthule@...:

Có nhiều ý kiến cho rằng, cách xếp hạng mới sẽ loại bỏ được “làn sóng” phân biệt môn chính, môn phụ sẵn có trong tiềm thức của phụ huynh, học sinh. Ở góc độ là giáo viên và người quản lý cô suy nghĩ thế nào về ý kiến này?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Theo cá nhân tôi, ý kiến này có thể đúng 1 phần nào đó, nhưng quan trọng nhất cách xếp loại này giúp cho mỗi học sinh học đều ở các môn học, giảm thiểu việc học lệch, khuyến khích và phát huy được năng lực sở trường của học sinh.

 

Bạn đọc

Bạn ngocminh@...:

Thông tư mới ban hành và có hiệu lực thi hành trong năm học này cùng với việc thực hiện Chương trình SGK lớp 6 mới và SGK chương trình hiện hành. Là giáo viên, tôi cảm thấy bối rối, cô có thể đưa ra vài gợi ý để đội ngũ có thể thông suốt?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Trong thời điểm hiện nay, mỗi giáo viên đang thực hiện đồng thời cả chương trình GDPT mới 2018 và chương trình GD 2006, vì vậy mỗi một Giáo viên cần xác định tư tưởng. Đó là phải đổi mới, phải nghiên cứu kỹ nội dung, phạm vi áp dụng của thông tư, đặc biệt là tìm ra các điểm mới, những nội dung có điều chỉnh để tránh nhầm lẫn.

Để đánh giá được thì GV phải tổ chức tốt dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho HS mà Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra. GV có thể đánh giá HS thông qua các hoạt động thuyết trình, thí nghiệm, thực hành, sản phẩm học tập… bằng nhận xét lời nói, ghi chép, cho điểm…

Bạn đọc

Bạn Minhthutruong@...:

Học lực của em lâu nay ở mức trung bình khá, thường xếp loại Học sinh tiên tiến. Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến, vậy em được xếp loại nào, thưa cô?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Việc này thì cần có kết quả cụ thể của các môn học, phải đối chiếu các điều kiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT mới biết em được xếp loại nào.

Theo quy định của TT 22, Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên;

– Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Bạn đọc

Bạn Minhthuytran@...:

Thông tư mới sẽ thay đổi khi đánh giá rèn luyện từ “Tốt, Khá, Trung bình, Yếu”, thành “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”. Tương tự, học lực trước đây được xếp thành 5 loại: “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém”, giờ được chuyển thành 4 mức: “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”. Cô thấy thay đổi này có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Học sinh Trường THCS Nam Hà thảo luận trong một tiết học. Ảnh tư liệu
Học sinh Trường THCS Nam Hà thảo luận trong một tiết học. Ảnh tư liệu

Theo cá nhân tôi thì sự thay đổi này phù hợp với việc đánh giá theo hướng “Phát triển phẩm chất và năng lực” của học sinh. Điều này vừa thể hiện rõ mức độ của học sinh đạt được nhưng cũng giảm bớt những căng thẳng, tự ti cho học sinh. Từ đó, tạo động lực cho  học sinh tự tin hơn để cố gắng phấn đấu.

Tôi tin rằng cách đánh giá này khiến các em học sinh sẽ cảm thấy bản thân các em vẫn còn cơ hội nếu nỗ lực hơn bởi “Chưa đạt” chứ không phải là “không đạt” hoặc “không thể đạt”.

Bạn đọc

Bạn Ngô Thị Lan - Hà Tĩnh:

Nhiều năm qua GV, phụ huynh và cả học sinh quen với việc đánh giá học sinh qua điểm số. Tôi băn khăn liệu thông tư mới có gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh ở các nhà trường hiện nay?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Việc kiểm tra, đánh giá học sinh các năm vừa qua theo TT 26 và TT 58 của Bộ GD&ĐT cũng đã có một số thực hiện đánh giá học sinh qua điểm số và nhận xét trên cơ sở phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy theo quan điểm của tôi, thông tư mới sẽ không gây xáo trộn gì trong các hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh. Tuy nhiên thông tư mới sẽ dần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá học sinh trong thời gian tới.

Bạn đọc

Bạn Minhnguyen@...:

Những điểm mới nào trong Thông tư 22 mà ông cho là tiến bộ, đáp ứng yêu cầu mới khi triển khai Chương trình GDPT năm 2018?
Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân

Thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp
Thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Có thể nói đến một số điểm mới, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu mới khi triển khai Chương trình GDPT năm 2018 trong Thông tư 22 như sau:

- Thay đổi tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học được đánh giá theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt, thay vì theo 5 loại là: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Trong đó không còn tính điểm trung bình các môn học kỳ, cả năm.

- Không còn phân biệt môn chính, môn phụ giúp học sinh có nhiều điều kiện thể hiện năng lực, hạn chế học lệch và việc giảng dạy của giáo viên các môn thuận lợi hơn;

- Bỏ xếp loại hạnh kiểm thay bằng đánh giá kết quả rèn luyện giúp đánh giá học sinh sát thực tế hơn, học sinh tự nhận xét và được nhận xét nhiều hơn tạo điều kiện tốt điều chỉnh bản thân;

- Xóa bỏ học sinh tiên tiến, chỉ khen thưởng học sinh sinh giỏi, xuất sắc và khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học.

Bạn đọc

Bạn lanngoc@...:

Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT vừa ban hành về việc đánh giá học sinh THCS và THPT được đông đảo nhà giáo và dư luận đánh giá cao. Cô đánh giá thế nào về những nội dung mới của Thông tư?
Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Anh

Tôi đã nghiên cứu về thông tư 22, theo đánh giá ban đầu của tôi thì việc đổi mới đánh giá HS theo thông tư này phù hợp với yêu cầu của việc đổi mới chương trình SGK theo chương trình GDPT 2018. Thông tư này có nhiều điểm mới trong việc kiểm tra đánh giá học sinh, nhiều quy định cụ thể hơn. Đồng thời, giảm cơ số điểm nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, việc đổi mới các hình thức khen thưởng như: học sinh vượt khó, học sinh xuất sắc, học sinh tiến bộ trong học tập từng môn học… có tác dụng tạo động lực cho học sinh cho học tập, rèn luyện toàn diện hơn.

Bạn đọc

Bạn Mỹ Hạnh, học sinh huyện Châu Thành A, Hậu Giang:

Xin thầy cho biết, đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số tập trung trách nhiệm ở giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên của từng bộ môn?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Theo Điều 5 Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT thì giáo viên bộ môn thực hiện đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Theo khoản 1, Điều 8 của Thông tư này thì việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh phải kết hợp giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm.

Bạn đọc

Bạn thaygiaolang@gmail.com:

Cách xếp hạng mới được cho là loại bỏ được tư duy điểm số, phân biệt môn chính, môn phụ sẵn có trong tiềm thức của phụ huynh. Vậy nhà trường có giải pháp nào để phụ huynh rõ và ủng hộ?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đều quy định về đánh giá, xếp loại học sinh (không xếp hạng). Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có phần kế thừa Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT với yêu cầu việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học.

Đây là xu thế đánh giá người học hiện nay, đáp ứng theo nhu cầu phát triển của xã hội. Để giúp phụ huynh, học sinh nắm được các quy định mới theo tinh thần Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, cũng như yêu cầu đối với người học trong Chương trình GDPT 2018, nhà trường, giáo viên cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu trong các hoạt động phù hợp của đơn vị để phụ huynh và học sinh đồng thuận hình thức đánh giá mới.

Đặc biệt, cần lưu ý tạo điều kiện để cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh cho nhà trường.

Bạn đọc

Bạn Bình Nguyên, phụ huynh:

Theo cách đánh giá mới, không phân biệt môn chính, môn phụ mà tất cả sẽ bình đẳng như nhau. Đây là sự thay đổi lớn về tư duy trong việc đánh giá kết quả rèn luyện lẫn học lực của học sinh. Cần sự chuẩn bị từ nhà trường, đội ngũ nhà giáo như thế nào, thưa thầy?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Thực ra cách đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, không phân biệt môn chính, môn phụ mà tất cả sẽ bình đẳng - là không mới đối với các địa phương vì trước đây hầu hết các địa phương đã triển khai các lớp theo chương trình mô hình Trường học mới cấp Trung học cơ sở; việc đánh giá học sinh này dựa vào Công văn số 1392/BGDĐT-GDTrH ngày 05/4/2017 của Bộ GD&ĐT từ năm học 2016 – 2017.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh Trung học theo Chương trình GDPT 2018. Vậy, nhà trường và đội ngũ giáo viên cần nghiên cứu quán triệt đầy đủ Chương trình GDPT 2018 thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng các Mô đun thực hiện chương trình; nghiên cứu quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Bên cạnh, đối với nhà trường cần xây dựng Kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và nhu cầu học tập của học sinh; đối với giáo viên phải xây dựng được kế hoạch bài dạy phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Thông tư số 22 không phân biệt môn chính, môn phụ mà tất cả sẽ bình đẳng. Ảnh tư liệu.
Thông tư số 22 không phân biệt môn chính, môn phụ mà tất cả sẽ bình đẳng. Ảnh tư liệu.
Bạn đọc

Bạn Một giáo viên:

Đối với đánh giá kết quả học tập, không đánh giá “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém” mà chỉ còn “Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt”, đây là sự tiến bộ đáng ghi nhận. Liệu đánh giá này có gây “khó xử” cho giáo viên và học sinh?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 thì kết quả học tập của học sinh được xếp loại: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và Kém. Quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021 của Bộ GD&ĐT thì kết quả học tập của học sinh được đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh với 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.

Đối với học sinh thì chỉ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập để đạt kết quả tốt nhất, do đó đối với học sinh thì không có vấn đề gây “khó xử”. Học sinh được đánh giá mức Chưa đạt thì qua nhận xét của giáo viên về những hạn chế chủ yếu của bản thân, các em tiếp tục rèn luyện và học tập để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Đối với giáo viên việc đánh giá bằng nhận xét như là một phương pháp dạy học ưu tiên đánh giá bằng nhận xét trong quá trình tổ chức dạy học để giúp học sinh tiến bộ, tránh việc thực hiện không đúng hoặc máy móc, không hiệu quả, tạo áp lực không đáng có. Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy thì việc đánh giá học sinh cũng rất nhẹ nhàng, sẽ không có vấn đề “ khó xử” khi thực hiện.

Bạn đọc

Bạn Một giáo viên THCS:

Về khen thưởng, chỉ còn 2 danh hiệu “Học sinh xuất sắc” và “Học sinh giỏi”, không còn danh hiệu "Học sinh tiên tiến". Như vậy học sinh có bị thiệt thòi không?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực, các trường sẽ không xếp loại và khen thưởng danh hiệu Học sinh tiên tiến nữa. Thay vào đó, sẽ chỉ trao tặng giấy khen đối với học sinh đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc và Học sinh giỏi.

Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 15 Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, Hiệu trưởng còn có thể khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; đồng thời xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng học sinh có thành tích đặc biệt.

Theo tôi, hiện nay điều kiện học tập của học sinh đã được cải thiện đáng kể, yêu cầu nghề nghiệp của xã hội ngày càng cao. Do đó việc điều chỉnh thay đổi đối tượng khen thưởng như trên là hoàn toàn phù hợp xu thế hiện nay và công bằng với tất cả học sinh.

Bạn đọc

Bạn Vũ Em, phụ huynh huyện Vị Thủy, Hậu Giang:

Khi đánh giá học sinh sẽ nhìn vào từng em có năng lực, xu hướng học tốt ở những môn nào. Từ đó, có kế hoạch tập trung, phát triển tiềm năng của học sinh. Như vậy nếu lớp học đông, giáo viên có quán xuyến hết không thưa thầy?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Sĩ số lớp hiện nay các trường thực hiện theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS và THPT. Việc đánh giá học sinh theo Chương trình GDPT 2018 giáo viên đã được tập huấn đầy đủ ở Mô đun 3; đồng thời Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT cũng đã quy định, hướng dẫn rất cụ thể.

Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết “khi xây dựng Thông tư, Bộ GD&ĐT đã tính toán tính khả thi, một số môn ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, giáo viên phải dạy nhiều lớp...

Do vậy, đánh giá bằng nhận xét không có nghĩa là yêu cầu giáo viên phải ghi chép và phải thiết lập một hệ thống hồ sơ, sổ sách để nhận xét mà giáo viên sẽ được hướng dẫn, tập huấn bài bản về kỹ thuật nhận xét. Các hình thức kiểm tra đánh giá sẽ đa dạng như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá học sinh.

Do đó, trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục thì giáo viên hoàn toàn có đủ thời gian và chủ động trong việc nhận xét để đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của tất cả học sinh của lớp.

Thông tư 22 sẽ linh hoạt các hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập.
Thông tư 22 sẽ linh hoạt các hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, đánh giá bằng sản phẩm học tập.
Bạn đọc

Bạn huuhiep@gmail.com:

Có lo ngại là giáo viên sẽ vất vả hơn để thực hiện tốt việc đánh giá học sinh theo Thông tư này. Ông có lưu ý gì?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã có trao đổi: Việc dạy học đi liền với kiểm tra, đánh giá. Để thực hiện tốt Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT, tức để “nhàn” trong việc đánh giá, giáo viên cần hiểu đúng và vận dụng linh hoạt các hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, cũng như kết hợp điểm số.

Đó có thể là đánh giá thông qua hỏi đáp, viết, nhận xét thông qua việc học sinh thuyết trình, làm thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập... trong quá trình dạy học. Có thể giáo viên chuẩn bị bài phải kỹ và vất vả hơn nhưng đến khi dạy học sẽ nhàn hơn.

Bản thân tôi xin lưu ý thêm vấn đề này đối với nhà trường: Cần triển khai hiệu quả Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT cho giáo viên, phụ huynh, học sinh nắm và thực hiện; Xây dựng kế hoạch cho giáo viên tham gia tập huấn về kiểm tra, đánh giá và tham gia bồi dưỡng mô đun 3 Chương trình GDPT 2018 và đặc biệt cần tận dụng tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học.

Bạn đọc

Bạn Minh Thư, học sinh:

Xin thầy cho biết giải pháp nào để tránh việc thực hiện không đúng hoặc máy móc, không hiệu quả, tạo áp lực không đáng có khi đánh giá bằng nhận xét?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng GD Trung học, GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang.
Ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng GD Trung học, GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang.

Để việc đánh giá bằng nhận xét mang lại hiệu quả tích cực, đúng với tinh thần Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT là việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học.

Lãnh đạo nhà trường cần tổ chức quán triệt đầy đủ hướng dẫn, quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT tại các cơ sở giáo dục; lãnh đạo nhà trường phải làm rõ cho giáo viên để thực hiện tốt Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, khi tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, thầy cô phải nhớ kiến thức là công cụ, nguyên liệu để học sinh phát triển năng lực và thầy cô phải làm thế nào để học sinh học và vận dụng được kiến thức đó. Trong quá trình tổ chức dạy và học, nhận xét được coi là phương pháp dạy học; được khuyến khích theo hình thức tương tác trực tiếp giữa thầy và trò chứ không phải nhận xét vào sổ.

Hơn nữa, giáo viên đã được tập huấn Mô đun 3 trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 là “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực” - đã hiểu được điều đó và cũng biết rằng sự tiếp nhận, điều chỉnh của bản thân học sinh cũng góp phần rất quan trọng trong đánh giá bằng nhận xét.

Điều đó sẽ giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp dạy học, học sinh phát huy được năng lực, sở trường và kịp thời điều chỉnh hạn chế của bản thân trong rèn luyện và học tập Hiểu được hết các điều này, thầy cô sẽ không thấy áp lực, từ đó sẽ phát huy được hiệu quả.

Bạn đọc

Bạn Vũ Hoàng Anh, phụ huynh huyện Phong Điền, Cần Thơ:

Trước đây giáo viên dùng điểm số để đánh giá quá trình học tập và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. Nay nhận xét liệu có kích thích tinh thần học tập và học sinh học tập có nghiêm túc không?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT sử dụng song song hai hình thức đánh giá: đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Đánh giá bằng nhận xét thiên về những môn học/hoạt động giáo dục giúp phát triển thể chất, năng khiếu; đánh giá bằng điểm số thiên về kiến thức phổ thông. Do đó việc kết hợp đánh giá bằng 2 hình thức trên sẽ góp phần phát triển toàn diện học sinh.

Đánh giá bằng nhận xét được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình học tập sẽ giúp học sinh phát huy được sở trường, năng lực học tập qua sự nhận xét của giáo viên về sự tiến bộ của bản thân, đồng thời giúp học sinh khắc phục được những hạn chế chủ yếu của mình để kịp thời điều chỉnh; giáo viên có điều kiện quan tâm, theo dõi học sinh nhiều hơn.

Như vậy việc đánh giá bằng nhận xét không những kích thích tinh thần học tập của học sinh mà còn giúp học sinh có thái độ nghiêm túc hơn trong học tập.

Việc đánh giá bằng nhận xét không những kích thích tinh thần học tập của HS mà còn giúp các em có thái độ nghiêm túc hơn trong học tập.
Việc đánh giá bằng nhận xét không những kích thích tinh thần học tập của HS mà còn giúp các em có thái độ nghiêm túc hơn trong học tập.
Bạn đọc

Bạn Quang Huy, giáo viên:

Tinh thần của Thông tư này là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự động viên, khuyến khích học sinh và sự tương tác giữa thầy và trò. Việc quán triệt đến nhà trường, giáo viên như thế nào để phát huy, thưa thầy?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Việc tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT được thực hiện theo phân cấp quản lý về giáo dục, cụ thể: Sở GD&ĐT sẽ triển khai đến các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố và các trường phổ thông trực thuộc.

Phòng GD&ĐT tổ chức triển khai đến trường có cấp THCS trực thuộc, Hiệu trưởng các trường trung học tổ chức triển khai, quán triệt đến giáo viên, học sinh đơn vị. Quan trọng hơn hết là sự quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của lãnh đạo, giáo viên tại các cơ sở giáo dục để đảm bảo việc đánh giá phải vì sự tiến bộ của người học.

Bên cạnh đó, trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên cũng đã được tập huấn rất kỹ Mô đun 3 về “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/THCS/THPT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”. Việc tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Thông tư theo phân cấp quản lý như thế sẽ phát huy tối đa hiệu quả của Thông tư này.

Bạn đọc

Bạn Lê Bảo Thy, học sinh huyện Phụ Hiệp, Hậu Giang:

Theo thông tư 22, một số môn học ngoài đánh giá bằng điểm số như trước đây còn có đánh giá bằng nhận xét. Xin thầy cho biết các môn học đánh giá bằng nhận xét?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 quy định đánh giá bằng nhận xét đối với các môn/hoạt động giáo dục sau:

- Cấp THCS: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp;

- Cấp THPT: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bạn đọc

Bạn mongtuyen@gmail.com:

Thầy có thể nói rõ cách đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học theo Thông tư 22 mới được ban hành?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ ngày 5/9/2021 quy định đánh giá bằng nhận xét đối với các môn/hoạt động giáo dục (Cấp THCS có các môn học/hoạt động giáo dục: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; cấp THPT: Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) như sau:

a) Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

b) Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.

c) Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.

d) Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.

Có thể nói rõ thêm, tinh thần của Thông tư số 22/TT-BGDĐT là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự động viên, khuyến khích học sinh và sự tương tác giữa thầy và trò, chứ không phải chỉ ghi nhận xét vào trong sổ.

Giáo viên có thể nhận xét, đánh giá ngay ở những bài tập và không phải bởi những điều chung chung (có cố gắng, có tiến bộ) mà cụ thể, trực tiếp vào những nội dung dạy học trong quá trình dạy. Giáo viên dùng hình thức nói, viết để đánh giá, nhận xét sự tiến bộ, những ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình học tập và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh.

Thông tư 22 đánh giá vì sự tiến bộ của HS, coi trọng sự động viên, khuyến khích HS và sự tương tác giữa thầy và trò. Ảnh tư liệu.
Thông tư 22 đánh giá vì sự tiến bộ của HS, coi trọng sự động viên, khuyến khích HS và sự tương tác giữa thầy và trò. Ảnh tư liệu.
Bạn đọc

Bạn Nguyễn Vũ Phương, học sinh:

Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT áp dụng cho chương trình phổ thông mới hay áp dụng cho tất cả các khối lớp, thưa thầy?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Như thầy đã trao đổi, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cụ thể như sau: Từ năm học 2021 - 2022 áp dụng đối với lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 áp dụng đối với lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 áp dụng đối với lớp 8 và lớp 11 và từ năm học 2024 - 2025 áp dụng đối với lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, năm học 2021 - 2022, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT chỉ áp dụng vào đánh giá đối với học sinh lớp 6, các khối lớp còn lại tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT.

Bạn đọc

Bạn manminh8x@gmail.com:

Theo tôi được biết, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT. Xin thầy cho biết những điểm mới của Thông tư này?
Ông Trần Hiền Hòa

Ông Trần Hiền Hòa

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2021 và thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2021 - 2022 đối với học sinh lớp 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với học sinh lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với học sinh lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với học sinh lớp 9 và lớp 12.

Với các khối lớp còn lại ở những năm học tương ứng, giáo viên vẫn đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT.

Vì vậy, trong 4 năm học tới, các văn bản này sẽ tồn tại song song. Ngoài những điểm giống nhau mang tính kế thừa, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ GD&ĐT có những điểm mới cơ bản sau: Có thay đổi về tăng thời lượng làm bài kiểm tra định kỳ với các môn nhiều tiết.

Không tính điểm trung bình tất cả các môn để xếp loại học lực; Thay đổi tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém được thay bằng: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.

Không phân biệt môn chính (trước đây Toán, Ngữ văn hệ số 2), môn phụ (các môn còn lại hệ số 1); Xếp loại hạnh kiểm được thay bằng đánh giá kết quả rèn luyện. Xếp loại: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu được thay bằng Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt; Không còn danh hiệu “học sinh tiên tiến” mà chỉ còn khen thưởng danh hiệu “Học sinh sinh giỏi”, “Học sinh xuất sắc” và thực hiện khen thưởng vào cuối năm học đồng thời bổ sung khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập.

Ngoài các môn đánh giá bằng nhận xét trước đây (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục) thì bổ sung thêm nội dung giáo dục của địa phương và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Có một môn bị đánh giá chưa đạt vẫn được lên lớp.

Ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng GD Trung học-GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang trả lời câu hỏi của độc giả.
Ông Trần Hiền Hòa - Trưởng phòng GD Trung học-GD Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang trả lời câu hỏi của độc giả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ