Các môn không còn phải “gánh” điểm cho nhau
Một trong những nội dung của Thông tư 22 nhận được phản hồi tích cực từ phía các nhà trường, thầy cô giáo là cách đánh giá mới sẽ góp phần xoá bỏ quan niệm về môn chính – môn phụ vốn tồn tại lâu nay.
Theo cô Nguyễn Thị Mai Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh: Với cách đánh giá này, quan niệm môn chính - môn phụ cũng sẽ được xoá bỏ, các môn học được đánh giá công bằng như nhau. Trước đây, nếu học sinh học yếu ở môn này sẽ nỗ lực ở môn khác để “gánh” điểm, nhưng với cách đánh giá mới, sẽ không có chuyện môn này “gánh” cho môn kia.
Cách đánh giá mới coi học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. “Tôi nghĩ khi học lên THPT, tính phân hoá, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này” – cô Mai Anh nhận xét.
Giải đáp băn khoăn của một số phụ hynh học sinh về việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 đặt nặng trọng số vào kết quả học kỳ I, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho rằng:
Với cách đánh giá đang áp dụng, kết quả học lực, hạnh kiểm học kỳ II cũng có tính quyết định hơn kết quả học kỳ I trong xếp loại cuối năm. Nên việc quy định mới tiếp tục đặt năng vào kết quả học kỳ II cũng là phù hợp nhằm giúp học sinh có nhiều điều kiện cố gắng để cải thiện kết quả học tập và rèn luyện.
Với những ràng buộc trong đánh giá cuối năm, học sinh phải quyết tâm ngay từ học kỳ I vì nếu sơ suất ở một hay một số môn thì kết quả học kỳ II sẽ không “gánh” được như trước đây. Nên việc dạy và học phải quyết liệt ngay từ đầu năm học mới có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của năm học với kết quả cao nhất.
Không gây khó giáo viên, học sinh thêm cơ hội
Theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 thì kết quả học tập của học sinh được xếp loại: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu và Kém. Quy định tại Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021 của Bộ GD&ĐT, kết quả học tập của học sinh được đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh với 4 mức: Tốt, Khá, Đạt và Chưa đạt.
Với quy định tại Thông tư mới, ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang cho rằng: Đối với học sinh thì chỉ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập để đạt kết quả tốt nhất, do đó đối với học sinh thì không có vấn đề gây “khó xử”. Học sinh được đánh giá mức Chưa đạt thì qua nhận xét của giáo viên về những hạn chế chủ yếu của bản thân, các em tiếp tục rèn luyện và học tập để hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Đối với giáo viên việc đánh giá bằng nhận xét như là một phương pháp dạy học ưu tiên đánh giá bằng nhận xét trong quá trình tổ chức dạy học để giúp học sinh tiến bộ, tránh việc thực hiện không đúng hoặc máy móc, không hiệu quả, tạo áp lực không đáng có. Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy thì việc đánh giá học sinh cũng rất nhẹ nhàng, sẽ không có vấn đề “ khó xử” khi thực hiện.
Từ góc độ quản lý nhà trường, thầy Trần Văn Hân nhận định: Triển khai đánh giá bằng nhận xét, nhà trường yêu cầu giáo viên nghiên cứu kỹ quy định mới và khuyến khích vận dụng những điểm mới phù hợp với đánh giá hiện tại (không làm phát sinh thêm hồ sơ theo quy định). Khi có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của Sở GD&ĐT, nhà trường sẽ có kế hoạch chi tiết để hướng dẫn thực hiện một cách kịp thời.
Giáo viên thường rất nhiệt tình, quyết tâm nhưng đôi khi ngại thay đổi. Nên việc triển khai và hướng dẫn thực quy định mới hiện phải thống nhất, cụ thể những việc phải làm, gợi ý cách thực hiện thì sẽ thành công, tránh trường hợp hướng dẫn, tổ chức thực hiện không nhất quán.