Quy định chức danh nghề nghiệp ngành Giáo dục: Không đồng nhất phân loại viên chức

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Cà Mau phản ánh, Khoản 2, Điều 3 và Khoản 2 Điều 28, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, quy định: Theo trình độ đào tạo, viên chức được phân loại như sau:

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo thạc sĩ; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo đại học; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp.

Căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp như sau: Chức danh nghề nghiệp hạng I; chức danh nghề nghiệp hạng II; chức danh nghề nghiệp hạng III; chức danh nghề nghiệp hạng IV; chức danh nghề nghiệp hạng V.

Như vậy, chức danh nghề nghiệp hạng III có yêu cầu trình độ đại học. Tuy nhiên, tại Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập lại quy định chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III trình độ cao đẳng; Thông tư số 13/2014/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ, Thông tư số 08/2015/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn thời gian tập sự, bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành lưu trữ quy định chức danh nghề nghiệp lưu trữ viên hạng III trình độ cao đẳng, thời gian tập sự 12 tháng.

Cử tri kiến nghị các bộ, ngành thống nhất chức danh nghề nghiệp viên chức cùng hạng thì cùng trình độ chuyên môn.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Tại Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định phân loại viên chức bao gồm: Phân loại theo chức trách, nhiệm vụ (viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý) và phân loại chức danh nghề nghiệp theo yêu cầu về trình độ đào tạo (tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp).

Trong mỗi công việc của chức danh nghề nghiệp, căn cứ vào mức độ phức tạp thì các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp hạng từ cao xuống thấp (từ hạng I - V) để cụ thể hóa phân loại trên.

Việc quy định hạng chức danh nghề nghiệp và mã số theo từng cấp học do Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ thống nhất. Trong đó, đã thống nhất không đồng nhất việc phân loại viên chức với quy định chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành Giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ