Quy định chức danh “Chủ tịch” trong Dự thảo điều lệ trường tiểu học tạo môi trường thân thiện, cởi mở cho trẻ

GD&TĐ - Dự thảo Điều lệ trường tiểu học vừa được Bộ GD&ĐT công bố với một số điểm mới nhằm phù hợp với tinh thần của Thông tư 30 về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học và Mô hình Trường học mới (VNEN). 

Quy định chức danh “Chủ tịch” trong Dự thảo điều lệ trường tiểu học tạo môi trường thân thiện, cởi mở cho trẻ

Bên cạnh những quy định về chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, các hành vi giáo viên không được làm…, một trong những quy định mới, gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận đó là quy định chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng tự quản trong lớp.

Mô hình Trường tiểu học mới được áp dụng ở Việt Nam từ 3 năm nay, ban đầu chỉ có 24 trường ở 6 tỉnh, thành thực hiện thí điểm. Sau quá trình thử nghiệm với những ưu điểm, hiệu ứng tích cực mang lại, hiện đã có 4.000 trường trên tổng số 15.300 trường tiểu học trên toàn quốc áp dụng. 

Nhiều điểm mới trong điều lệ trường tiểu học được soạn thảo nhằm phù hợp với mô hình trường học mới, trong đó, nổi bật là điều lệ quy định về cơ cấu, cách thức tổ chức lớp học theo mô hình mới. 

Cụ thể, điều 17 của Dự thảo Điều lệ quy định mỗi lớp học có không quá 35 học sinh. Cơ cấu trong mỗi lớp học có Lớp trưởng, Lớp phó hoặc Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên. 

Mỗi lớp học được phân chia thành các tổ, ban hoặc nhóm học sinh, trong đó có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký. 

Trong số các vị trí trong cơ cấu tổ chức lớp học, chức danh Chủ tịch nhận được nhiều nhất, những ý kiến tranh luận trái chiều từ phía những người trong và ngoài ngành Giáo dục.

Những ý kiến đồng tình cho rằng, khi áp dụng Mô hình Trường học mới, cần phải có những tên gọi mới, phù hợp hơn để thay thế cho cách gọi lớp trưởng, lớp phó đã tồn tại trong một thời gian dài. 

Mô hình Trường học mới mà cấp tiểu học bấy lâu nay áp dụng góp phần rèn luyện cho học sinh khả năng tự quản, tự học, biết làm việc nhóm, mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân. 

Việc đưa những yếu tố của hội đồng tự quản vào lớp học là nhằm hình thành ý thức tự chủ cho học sinh ngay từ nhỏ. Chức danh Chủ tịch sẽ giúp học sinh nhận diện rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với tập thể, từ đó, hăng hái tham gia các hoạt động của trường, lớp để thể hiện khả năng nổi trội của mình. 

Ngoài ra, việc thay đổi luân phiên chức danh Chủ tịch trong lớp nếu được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho mỗi học sinh có kỹ năng tổ chức, quán xuyến, làm việc theo nhóm, làm tăng sự tự tin trong học tập, sinh hoạt, tạo “nền” để học sinh phát triển toàn diện ở những cấp học cao hơn.

 Đây là điều hết sức cần thiết bởi kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm vốn là một trong những điểm yếu của cố hữu của học sinh nước ta lâu nay. 

Bên cạnh luồng ý kiến đồng tình, cũng có không ít ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối khi cho rằng, chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch là khá xa lạ và không thân thiện bằng cách gọi lớp trưởng, lớp phó. Khi chức danh Chủ tịch được bầu qua hình thức vận động tranh cử sẽ gây căng thẳng thêm cho học sinh và tiêm nhiễm cho con trẻ thói háo danh dẫn tới những hệ lụy tiêu cực không đáng có trong môi trường học đường như “chạy chức”, “chạy quyền”, “ganh ghét”, “độc đoán”…

Tạm chưa đề cập tới tính hợp lý hay bất hợp lý của chức danh Chủ tịch trong Điều lệ trường tiểu học. Từ những ý kiến bàn luận trái chiều liên quan tới vấn đề này thời gian qua cho thấy một thực tế là, không ít người lớn đang áp đặt con trẻ phải sống, suy nghĩ theo cách của bản thân mình. 

Thiết nghĩ, việc gọi chức danh cán sự lớp của học sinh tiểu học là lớp trưởng hay “chủ tịch hội đồng tự quản lớp” không phải là vấn đề lớn. 

Bởi lẽ, đối với học sinh ở độ tuổi này, gọi chức danh gì cũng không quan trọng bằng việc tạo cho học sinh một môi trường học tập, sinh hoạt thân thiện, cởi mở, linh hoạt, giúp trẻ tự tin rèn luyện các kỹ năng cơ bản cần thiết. 

Còn việc cho rằng gọi là Chủ tịch có nghĩa là “quan chức” thì dường như chính người lớn chúng ta đã và đang áp đặt, gieo rắc tư tưởng đó vào suy nghĩ non nớt của trẻ. 

Vẫn biết, bất kỳ một dự thảo nào được đưa ra để thay đổi cũng có thể sẽ vấp phải những tranh luận, ý kiến trái chiều. Mặc dù vậy, nên chăng, những ý kiến đóng góp cần hướng vào lợi ích chung và đối tượng trung tâm là học sinh bậc tiểu học không nên vì những suy nghĩ áp đặt chủ quan mà làm lệch lạc những mặt tích cực và lợi ích mang lại từ sự thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ