P.V: Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về chất lượng Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đoàn giám sát đã đến làm việc ở các cơ sở giáo dục của 3 vùng là: các tỉnh phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Ngoài các buổi làm việc chung với hai đại học quốc gia, các đại học vùng ở Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Trường Đại học Cần Thơ, Đoàn chia thành 3 tổ công tác để khảo sát chuyên sâu về từng nội dung (thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo) tại 51/412 cơ sở GDĐH trong cả nước (đạt tỉ lệ 12,4%).
Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Hà Nội, có sự tham gia của lãnh đạo 139 trường ĐH, CĐ trên địa bàn, nhằm đánh giá công tác quản lý theo địa bàn đối với các cơ sở GDĐH, việc phối hợp giữa địa phương với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cơ quan chủ quản và cơ sở GDĐH trong việc thực hiện chính sách pháp luật về GDĐH, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các trường ĐH, CĐ.
Đoàn giám sát cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trực thuộc và họp với đại diện lãnh đạo của 12 bộ có nhiều cơ sở GDĐH nhằm đánh giá công tác quản lý, đầu tư của bộ chủ quản đối với các trường ĐH, CĐ trực thuộc và quan hệ phối hợp, sự phân công trách nhiệm giữa bộ chủ quản với Bộ GD&ĐT trong việc quản lý các cơ sở GDĐH.
Chính vì thế, Báo cáo giám sát này chất lượng rất tốt. Báo cáo giám sát cũng đã thể hiện trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Chúng ta đã có 22 năm đổi mới ngành Giáo dục nên nhiều thế hệ đã tham gia phát triển Ngành. Mọi hoạt động của Đất nước đều có sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nên mọi người, mọi ngành đều có trách nhiệm trong đó.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Tác dụng lớn nhất của cuộc giám sát của Quốc hội đối với ngành Giáo dục là góp phần làm ngành Giáo dục và toàn xã hội hiểu đúng thực trạng của Ngành". |
P.V: Chúng ta có dễ dãi trong thành lập các trường ĐH, CĐ?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường, cả nước ta mới chỉ có 111 trường ĐH, CĐ, mỗi năm chỉ đào tạo ra gần 20.000 kỹ sư, cử nhân.
Hôm nay (tính đến 30/9/2009), cả nước đã có 440 cơ sở GDĐH, trong đó có 180 trường ĐH, 232 trường CĐ và 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng - an ninh. Mỗi năm đào tạo ra 220.000 (gấp 11 lần). 90% trong số đó đã có việc làm.
Sau 22 năm, qui mô kinh tế đã tăng khoảng 4 lần, nếu không có lực lượng này thì không đảm bảo nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế. Nếu qui mô đào tạo như năm 1987 thì phải mất 11 năm đào tạo liên tục chúng ta mới đáp ứng được 1 năm nhu cầu nhân lực hiện nay… Tuy nguồn nhân lực này còn hạn chế về chất lượng, nhưng họ đã có đóng góp quan trọng để có thể có người thu hút FDI, phát triển công nghiệp và dịch vụ…
P.V: Xin Phó Thủ tướng cho biết tác dụng lớn nhất của cuộc giám sát đối với ngành Giáo dục?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Tác dụng lớn nhất của cuộc giám sát của Quốc hội đối với ngành Giáo dục là góp phần làm ngành Giáo dục và toàn xã hội hiểu đúng thực trạng của Ngành và thống nhất giải pháp. Kết quả là chúng ta hoàn toàn không bi quan về thực trạng GDĐH.
P.V: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Quang Anh (ghi)