"Nhà quê" đi học

"Nhà quê" đi học

(GD&TĐ) - Những học sinh là con em nông thôn rất có ý chí vươn lên trong học tập. Sự cố gắng chăm chỉ rèn luyện đã mang lại thành tích cao trong học tập cho các em.

Học để thoát nghèo

Học sinh nông thôn đã khẳng định ý chí vươn lên theo nghiệp đèn sách
Học sinh nông thôn đã khẳng định ý chí vươn lên theo nghiệp đèn sách
 

Những ngày qua, cả vùng quê xã Nghĩa Lĩnh, Đồng Hới, Quảng Bình râm ran câu chuyện về cô học trò nghèo Võ Thị Quỳnh Trang – Thủ khoa Trường Đại học Quảng Bình và là một trong những thủ khoa khối C toàn quốc. Những câu chuyện bày tỏ sự khâm phục tinh thần vượt khó vươn lên học giỏi của Trang.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố bị bệnh tai biến đã hơn mười năm nay. Gánh nặng gia đình đổ dồn hết lên đôi vai người mẹ. Mặc dù ở cái tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng bà Dương Thị Hương (mẹ Trang) vẫn phải đi cào nhựa thông thuê để có tiền nuôi con ăn học.

Thấu hiểu nỗi vất vả của bố mẹ và với suy nghĩ chỉ có con đường học tập mới thoát được nghèo, Trang quyết chí học thật giỏi để bố mẹ đỡ buồn. Kết quả 12 năm học Trang đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Năm học lớp 11, lớp 12 Trang còn đạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Đặc biệt, kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua em đã đạt 27,5 điểm là thủ khoa Trường Đại học Quảng Bình và là một trong những thủ khoa toàn quốc khối C.

Hay như trường hợp của em Vũ Đình Tuyên, học sinh Trường THPT Phụ Dực – Thái Bình, bố bị bệnh hiểm nghèo đã qua đời, mẹ làm nông nghiệp tần tảo gánh vác việc gia đình và nuôi con ăn học trong cảnh túng thiếu đủ bề. Vậy mà Tuyên đã thi đỗ cả 2 trường đại học: Học viện Quân Y 27,5 điểm, Học viện Quân sự 28 điểm. Tuyên tâm sự: “Những lúc thấy mẹ tất bật việc đồng áng, rồi lại đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi em ăn học, em thấy thương mẹ vô vùng. Em luôn tự nhủ phải chăm chỉ học hành để thoát khỏi cảnh nghèo túng, giúp mẹ thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Trên thực tế, còn có vô vàn trường hợp là con em nông thôn học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập. Các em có thể bị thiếu thốn đủ bề, điều kiện học tập có thể không bằng các em ở thành thị, thậm chí nhiều em sách tham khảo còn không có và phải truyền tay nhau từ người này sang người khác để học. Song chính trong những khó khăn, vất vả ấy lại là đòn bẩy để khích lệ tinh thần học tập và ý chí vươn lên cho các em. Và tự học chính là phương pháp học của các em học sinh nông thôn.

Bí quyết học là tự học

Chất lượng giáo dục vùng nông thôn ngày càng được nâng lên
Chất lượng giáo dục vùng nông thôn ngày càng được nâng lên

Thầy giáo Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc cho biết: Là một trường chuyên của tỉnh, điểm xét tuyển đầu vào hàng năm của trường khá cao, thế nhưng hiện có tới 4/5 là con em nông thôn trên tổng số 900 em học sinh. Các em đều rất hiếu học và đạt thành tích cao. Trong số học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hàng năm của nhà trường có hàng chục em là con nông dân thuộc diện hộ nghèo. Tỷ lệ đỗ đại học của học sinh nông thôn luôn cao và nhiều hơn so với học sinh thành thị.

Tại Trường THPT Tây Tiền Hải – Một trường chủ yếu là con em ngư dân, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Song theo Hiệu trưởng Vũ Minh Thuật, các em rất chăm chỉ và có ý thực tự giác học tập. Ở các em luôn có nghị lực vượt khó và tinh thần ham học hỏi. Trong số các em đỗ đại học đợt I năm nay, chủ yếu là con em có bố mẹ làm nông – ngư nghiệp thuần túy.

Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Hồng Sơn – Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết: Học sinh nông thôn chịu thương, chịu khó. Nhiều em đi học về còn tranh thủ phụ giúp bố mẹ việc nhà, việc đồng áng. Song chính trong nỗi vất vả ấy lại là động lực để các em vươn lên trong học tập. Hầu hết các em đều có chung một suy nghĩ đó là: Học để làm người và học để thoát khỏi cảnh "chân lấm tay bùn".

Ồng Sơn dẫn giải ví dụ: Đơn cử như tỉnh Thái Bình - Một trong những tỉnh thuần nông của cả nước, học sinh chủ yếu là con em nông dân song chất lượng giáo dục của tỉnh luôn khẳng định được vị trí trong phạm vi toàn quốc.

Hiện chưa có con số thống kê chính xác tỷ lệ học sinh nông thôn đỗ đại học là bao nhiêu. Nhưng trong số hơn 7.000 lượt em đỗ đại học đợt 1 năm 2013 chắc chắn có quá nửa là học sinh thuộc các vùng nông thôn. Trong đó có nhiều em đỗ hai trường đại học đạt 25 điểm trở lên và nhiều em còn là thủ khoa đầu vào của một số trường đại học lớn.

Có thể nói, với các em học sinh nông thôn đâu có đủ điều kiện bằng các em ở thành thị và không phải em nào cũng có điều kiện để đi học thêm. Song từ ý thức tự giác học hành; sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân các em và cùng với tinh thần hiếu học, các em đã đạt thành tích cao trong học tập. Các em chính là những bông hoa đẹp tô thắm thêm sắc màu trong vườn hoa học đường.

Hải Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ