"Khát" kịch tuổi học trò

"Khát" kịch tuổi học trò

(GD&TĐ) - Thời gian qua, hầu hết các sân khấu kịch tại TP.HCM đua nhau dàn dựng những vở về đề tài kinh dị, hài kịch nhằm đảm bảo doanh thu cho phòng vé. Tuy nhiên, đề tài dành cho tuổi học trò là một mảnh đất màu mỡ nhưng các sân khấu kịch đã “vô tình” bỏ qua, không “khai phá”… 

Đề tài khó bán vé?

Trong khi các bộ phim đề tài tuổi học trò đang nở rộ trên khắp sóng truyền hình thì sân khấu kịch lại không mặn mà với nó. Nếu bảo rằng khó bán vé thì không hẳn, bởi cách nay không lâu, những vở kịch đề tài này từng được dàn dựng, biểu diễn thành công, thu hút đông đảo khán giả trẻ lẫn người lớn đến xem.

Cảnh trong vở Tuổi dậy thì
Cảnh trong vở Tuổi dậy thì

Sân khấu kịch Phú Nhuận tiên phong “vào cuộc” với vở Cô giáo Hạnh của đạo diễn Nguyễn Lâm. Bất cứ ai xem vở kịch này đều thật sự xúc động. NSƯT Hồng Vân đã “thổi” vào nhân vật cô giáo Hạnh chất mộc mạc, sâu lắng, trăn trở của nhà giáo. Tiếp theo đó, sân khấu này tiếp tục trình làng những vở kịch giáo dục giới tính cho lứa tuổi mới lớn. Vở Trai mới lớn của đạo diễn Vương Đình Hải đề cập đến một vấn đề xảy ra khá nhiều trong xã hội hiện nay. Đôi khi môi trường giáo dục không phù hợp khiến tuổi teen ngộ nhận và phát triển lệch lạc về giới tính. Vở Trái cấm trên sân khấu Thế Giới Trẻ được tác giả kiêm đạo diễn Ngọc Hùng chuyển tải rất sâu sắc. Cũng là hình ảnh của những cô cậu học sinh cấp 3, lứa tuổi đang có những khao khát tìm hiểu về tình dục. Và khi những thắc mắc, bí ẩn của tình dục không được giải đáp cặn kẽ trong những giờ học giới tính trong nhà trường, các cô cậu học sinh này càng tò mò hơn và đi đến quyết định nếm thử “ trái cấm” để rồi dẫn đến những hậu quả nặng nề. Nhà hát kịch TP.HCM cũng sáng đèn liên tục với vở kịch Thi ơi là thi. Không đơn giản là một vở hài kịch giải trí nhẹ nhàng mà vở còn nóng hổi tính thời sự, châm biếm về chuyện thi cử và căn bệnh chạy theo thành tích trong ngành giáo dục. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết những chi tiết mà anh đọc trên báo chí hằng ngày đã được đem vào vở, khiến nó mang đậm tính thời sự. Hiện nay, mới nhất chỉ có sân khấu kịch Cống Quỳnh ra mắt vở Dính bầu (đạo diễn Nguyễn Ngọc Hùng) công diễn tại Nhà hát Thế Giới Trẻ nội dung rất sát sườn với vấn đề giới tính đang được giới trẻ quan tâm hiện nay. Vở kịch hấp dẫn và mang tính giáo dục rất sâu sắc. Những hệ lụy và hậu quả đau lòng của sự thiếu hiểu biết về giới tính tuổi teen được gút lại khá lôgic trong phân đoạn cuối, gây xúc động người xem. Vở diễn có sự tham gia của các diễn viên NSƯT Bảo Quốc, Thu Trang, Tiểu Bảo Quốc, Gia Bảo, Thùy Dương, Hoàng Phi, Kim Nhã... Có thể nói, “khát” kịch cho tuổi học trò là một thực tế rất rõ ràng mà ai cũng phải công nhận.

Cảnh trong vở Thi ơi là thi
Cảnh trong vở Thi ơi là thi

Hiếm có kịch bản hay

Đạo diễn Hoàng Duẩn tâm sự: “Tôi đã từng dàn dựng một số vở kịch nói, cũng như các dự án về thế giới học đường công diễn trên sân khấu được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Thú thật, tôi rất tâm huyết với mảng đề tài này. Tuy nhiên, đội ngũ tác giả hiện nay hầu hết đều ‘chạy’ theo các đề tài thời thượng hoặc các bộ phim truyền hình dài tập để có thu nhập cao nên muốn có một kịch bản hay cho tuổi học trò, cứ như mò kim đáy biển…”. Hoàng Duẩn cho biết thêm, hiện anh đang thực hiện một số dự án kịch học trò về giáo dục an toàn giao thông và bạo lực học đường phục vụ miễn phí tại các trường. Nhưng vấn đề xin tài trợ cho dạng kịch này rất khó khăn vì hầu như đơn vị nào muốn tài trợ cũng đều muốn “chen” quảng cáo sản phẩm của mình vào kịch. Mà theo anh, nếu làm như thế sẽ phá hỏng kịch bản. Đồng quan điểm, NSƯT Hồng Vân - Giám đốc sân khấu kịch Hồng Vân, tâm sự: “Hai con tôi - Xí Ngầu và Trê Phi đang trong tuổi mới lớn. Tôi rất tâm huyết với việc dàn dựng mảng kịch tuổi học đường không chỉ để hai con tôi vào những vai phù hợp với lứa tuổi cũng như tâm sinh lý của mình mà cũng để cho các em 9X không còn ‘đói’ kịch cho lứa tuổi của mình. Nhưng điều khó khăn nhất là kịch bản, rất hiếm khi có kịch bản hay để dàn dựng. Vì vậy, trong mùa hè này, tôi phải chọn giải pháp là diễn lại những kịch bản cũ như Tuổi dậy thì, Trai mới lớn để phục vụ các em học sinh”.

Với một thực tế khó khăn như thế, liệu những người có tâm huyết với đề tài này có thối lui? Hoàng Duẩn khẳng định: “Tôi vẫn tiếp tục. Nếu không có những người trẻ viết kịch bản thì bản thân tôi sẽ tự viết và dàn dựng. Cái khó nhất là tôi phải luôn đặt suy nghĩ của mình vào độ tuổi này để luôn có cách làm cho thật phù hợp. Làm kịch cho tuổi học trò thật thú vị, bởi tôi cảm thấy như mình như đang sống lại cái thời thơ mộng, dấu yêu ấy. Vẫn các câu chuyện rất đời thường trong thế giới học đường, nhưng qua đó phải mang một thông điệp giáo dục, hướng các bạn trẻ đến một đời sống lành mạnh, biết thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình một cách thiết thức và hiệu quả nhất”.

Theo tác giả trẻ Diệu Như Trang thì để có một vở kịch dành cho đối tượng “nhất quỷ nhì ma” này hoàn toàn không đơn giản, bởi lẽ nếu chỉ lập lại tình bạn, tình thầy trò, ghế đá, sân trường sẽ khiến các bạn nhàm chán. Mà nếu “đẩy” đề tài lên những mức cao hơn thì sẽ đi lệch hướng, đôi khi lại phản giáo dục. Vì thế, dù đang dồn hết tâm sức viết kịch bản Một thời để nhớ nhưng Diệu Như Trang vẫn trăn trở là sau kịch bản này, mình sẽ tiếp tục… đuối đề tài.

NSƯT Hồng Vân cho biết thêm: “Muốn làm kịch cho tuổi học trò phải có thời gian, thứ nhất là kịch bản phải mới lạ, cập nhật tính thời sự, bởi lẽ tuổi học trò hiện nay rất năng động, có nhiều hoạt động phong phú; cả đạo diễn phải chắc tay, dàn diễn viên phải phù hợp. Phải có được những điều đó để khi bắt tay vào dàn dựng, chúng tôi không chỉ muốn kịch của mình được tuổi teen đón nhận mà còn phải mang tính giáo dục tâm sinh lý, lối sống các em một cách nhẹ nhàng…”.

Khôi Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.