Đồng thời, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong 2 ngày 1/6 và 2/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho hay, sáng ngày 23, 24/5, Quốc hội đã nghe 2 báo cáo của Chính phủ và 2 báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nội dung nêu trên đã được thảo luận tại tổ rất sôi nổi, tâm huyết, trí tuệ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng.
Các ý kiến thảo luận tại tổ đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Tiếp nối kết quả thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm đã nêu trong các Báo cáo thẩm tra đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo các số liệu vừa được công bố, kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
Các công trình cơ sở hạ tầng được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Thương mại dịch vụ phục hồi mạnh. Du lịch phục hồi ấn tượng.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu được triển khai tích cực, đồng bộ. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được đẩy mạnh.
Một số kết quả ấn tượng như: thu ngân sách 5 tháng tăng 18,7%, xuất nhập khẩu tháng 5 tăng 14,5% so với cùng kỳ. FDI thực hiện 5 tháng tăng 7,8%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tăng 10,4%. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đạt 98.600 doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 22,6% so với cùng kỳ. Khách quốc tế tháng 5 tăng hơn 70% so với tháng trước, 5 tháng tăng 350% so với cùng kỳ. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm đang được từng bước giải quyết chắc chắn, hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh có tới 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới, Việt Nam là một trong hai quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được S&P nâng bậc tín nhiệm dài hạn kể từ đầu năm đến nay. Đ
Điều này được S&P dựa trên nền kinh tế Việt Nam đang đà phục hồi vững chắc, tỉ lệ tiêm chủng được cải thiện ấn tượng và bước chuyển linh hoạt trong chính sách kiểm soát dịch Covid-19.