Thông qua kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010

Thông qua kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010

Đồng thuận thông qua kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010

Theo báo cáo Giải trình, tiếp thu về một số vấn đề kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, qua thảo luận tại Tổ và Hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan về dự báo tình hình thế giới và trong nước năm 2010. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng các phương án có thể xảy ra để chủ động quyết định theo thẩm quyền những chủ trương và biện pháp thích ứng với tình hình.

Đa số ý kiến ĐBQH (337/360 ý kiến) tán thành với những nội dung và thứ tự sắp xếp trong mục tiêu tổng quát đã được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đó là: nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 không được tăng quá 7% (ảnh minh họa)
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 không được tăng quá 7% (ảnh minh họa)

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2010, Quốc hội nhất trí chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 khoảng 6,5%. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng không quá 7%. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt để vừa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 6,5%, vừa ngăn chặn được lạm phát cao trở lại. Về tăng trưởng xuất khẩu năm 2010 tăng cao hơn 6%.

Trong phần biểu quyết thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, 85,4% số đại biểu có mặt đã nhất trí thông qua.

Ý kiến thẩm các công trình trọng điểm quốc gia năm 2009

Cũng trong sáng ngày 6/11, Quốc hội nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về các báo cáo trên.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có kiến nghị với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên sử dụng tốt nguồn nhân lực sau khi nhà máy hoàn thành cũng như đào tạo thêm đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân lực của các nhà thầu phụ đã tham gia thi công trên công trình xây dựng Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất để thi công các nhà máy lọc dầu khác trong tương lai; Đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhà máy. Việc thay thế nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ bằng dầu nhập khẩu cần được nghiên cứu tính toán cụ thể để đảm bảo tính khả thi cao; Cần tính đến khả năng dự trữ của các bể dầu phục vụ cho nhà máy hoạt động trong thời gian sửa chữa hệ thống phao rót dầu nếu xảy ra sự cố.

Đối với thủy điện Sơn La, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết di dân tái định cư còn nhiều bất cập, lúng túng; chất lượng quy hoạch chưa cao; sự phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các địa phương với nhau và các cơ quan, tổ chức khác còn bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của công tác này. Việc cân đối tổng vốn theo kế hoạch tuy đạt yêu cầu nhưng công tác giải ngân còn chậm, số liệu giữa trung ương và địa phương cập nhật chưa thống nhất.

Về tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh của Bộ Giao thông – Vận tải, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, quy hoạch tổng thể cơ bản thể hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội về phạm vi, hướng tuyến, quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng đoạn tuyến. Công tác lập dự án đầu tư toàn tuyến và các quy hoạch chi tiết như quy hoạch hệ thống đường ngang, đường gom, điểm dừng, điểm nghỉ, cắm mốc giải phóng mặt bằng theo quy hoạch đang được Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và nhiều địa phương tích cực triển khai. Công tác quan trắc và giám sát môi trường đã được thực hiện nghiêm túc đối với những đoạn tuyến đi qua khu vực nhạy cảm về đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch vẫn còn một số bất cập như việc khảo sát thiết kế đối với một số dự án còn chưa phù hợp với thực tế, công tác lập, thẩm định và phê duyệt một số hạng mục còn chậm, ảnh hưởng đến dự toán, thi công và đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó việc gắn kết giữa xây dựng đường Hồ Chí Minh với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mạng lưới giao thông chưa được thực hiện thống nhất giữa các địa phương có tuyến đường đi qua. Hiện nay Quy hoạch chi tiết tuyến chính, quy hoạch hệ thống đường ngang, đường gom… từ đường Hồ Chí Minh xuống Quốc lộ 1A chưa được phê duyệt, các điểm nghỉ, điểm cung cấp dịch vụ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh còn thiếu nên mật độ xe đi lại còn rất ít, do đó việc khai thác đường Hồ Chí Minh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Về tình hình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thông, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng là một dự án đặc biệt với đối tượng hưởng lợi chính là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, với địa bàn trải khắp các địa phương trên phạm vi toàn quốc, việc thực hiện dự án đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phải triển khai kiểm kê rừng trên toàn quốc theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng để làm cơ sở cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2010 – 2015; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, ảnh viễn thám trong việc điều tra tài nguyên rừng, độ che phủ rừng, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quản lý, bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng...; Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành nhiệm vụ của Dự án.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ