Quốc hội thảo luận sôi nổi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm

GD&TĐ - Chiều 27/5/2022, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đảm bảo bình đẳng hơn cho các bên trong hợp đồng bảo hiểm

Cho ý kiến vào Khoản 2, Điều 19 dự thảo Luật quy định về trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị, cần cân nhắc tính khả thi của quy định này. Đại biểu làm rõ, trên thực tế, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đều khó có thể ngồi cùng nhau, cùng với nhau để đi từng điểm loại trừ trong điều khoản loại trừ.

Do đó, cần làm rõ cơ chế giải thích tại khoản 2 Điều 19 và điểm b khoản 2 Điều 20, giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ, trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm là trách nhiệm giải thích chủ động hay trách nhiệm giải thích theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

Đại biểu cho biết thêm, hiện nay, điểm a khoản 2 Điều 21 dự thảo Luật quy định bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, chính xác mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Như vậy, quy định cung cấp thông tin hay giải thích trên cơ sở yêu cầu của bên còn lại trong hợp đồng sẽ đảm bảo bình đẳng hơn cho các bên, đảm bảo tính khả thi trong thực tế của quy định.

Đề nghị bổ sung nghiêm cấm hành vi làm phiền, quấy nhiễu khách hàng

Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai 

Góp ý tại Điều 9 của dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị, bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đó là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, yêu cầu các đơn vị kinh doanh bảo hiểm tuân thủ các quy định về pháp luật thông tin và truyền thông.

Tại Điều 22 của dự thảo Luật về trách nhiệm và hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, đại biểu đề nghị quy định rõ những nội dung cần thiết mà khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm, doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và giải thích rõ cho người mua bảo hiểm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác thông tin trước khi giao kết hợp đồng.

Về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm tại khoản 2, Điều 23 của dự thảo Luật, đại biểu Đinh Văn Thê đề nghị bổ sung thời hạn kể từ ngày bên mua bảo hiểm đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Đề cập đến Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm tại Điều 111, đại biểu Đinh Văn Thê thống nhất lựa chọn phương án 1. Còn về thanh tra hoạt động bảo hiểm tại Điều 152 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đến quy định về tiêu chuẩn của công ty kiểm toán độc lập, công ty tư vấn hoặc chuyên gia được thuê để đánh giá, có ý kiến một số nội dung về tổ chức, hoạt động tài chính của đối tượng thanh tra bởi nhận xét, đánh giá này sẽ là cơ sở pháp lý để ban hành kết luận thanh tra sau khi kết thúc cuộc thanh tra.

Nhà nước cần có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh
Đại biểu Tô Thị Bích Châu  - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Tô Thị Bích Châu  - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để làm rõ quy định tại Khoản 2 Điều 22. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nếu có) để tránh khó hiểu, tranh chấp khi có tình huống diễn ra.

Liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 5, nữ đại biểu đề nghị: Nhà nước cần có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không chỉ quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì như vậy rất chung chung.

Đại biểu nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có luôn quy định về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...