Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều nội dung mới

GD&TĐ - Tiếp tục kỳ họp thứ hai, sáng 22/10 Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình bày về Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Luật Kinh doanh Bảo hiểm hiện hành bộc lộ bất cập

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc , trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự.

Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu, chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro. Vì vậy, dự thảo luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới

Theo đó, về hợp đồng bảo hiểm, dự thảo đã bổ sung quy định về phân loại hợp đồng, sửa đổi nội dung hợp đồng bảo hiểm, một số nội dung nhằm phù hợp với Bộ Luật dân sự và thực tiễn của thị trường như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đơn phương chấm dứt hợp đồng, hợp đồng vô hiệu, trách nhiệm cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, thời hạn nộp hồ sơ yêu cầutrả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền...

Dự thảo luật sửa đổi cũng mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểmđã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Dự thảo cũng bổ sung yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm theo hướng chuyển đổi sang quản lý vốn trên cơ sở rủi ro.

Theo đó, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Các quy định về dự phòng nghiệp vụ, hoạt động đầu tư, quản lý tài sản, doanh thu - chi phí được sửa đổi tương ứng với mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro như yêu cầu sử dụng chuyên gia tính toán trong trích lập dự phòng, dự phòng phải kèm theo tài sản tương ứng và được đánh giá thường xuyên; bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư thay bằng quy định về tài sản không được đầu tư,bổ sung quy địnhđầu tư ra nước ngoài; doanh nghiệp phảitách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong và ngoài nước.

Ngoài ra, bổ sung quy định đối với kiểm toán độc lập, phạm vi kiểm toán độc lập và trách nhiệm cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính.

Quy định quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm cũng được sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ