Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ một số vấn đề của Luật Kinh doanh Bảo hiểm

GD&TĐ - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình trước Quốc hội.

Tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng

Tại phiên họp toàn thể, nhiều đại biểu đề nghị lưu ý cụ thể hơn về hoàn chỉnh các nội dung của hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và của người tham gia bảo hiểm, đảm bảo khả thi khi thực hiện.

Một số đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác, quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về các điều khoản liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục gia nhập thị trường và các hoạt động của doanh nghiệp.

Các đại biểu đề nghị rà soát thêm các quy định về quản lý nhà nước, về hoạt động kinh doanh bảo hiểm để cân bằng giữa kiến tạo và quản lý thị trường, không gây ách tắc cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước các cấp.

Đề nghị quy định cụ thể hơn, toàn diện, khả thi hơn về bảo hiểm vi mô, về chính sách phát triển kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, chú ý đến các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số. Có rà soát về ứng dụng công nghệ thông tin, điều khoản thi hành quy định về áp dụng pháp luật….

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ cùng với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thiện lại dự án Luật để trình với Quốc hội vào kỳ họp sau, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các báo cáo đánh giá theo góp ý của đại biểu. Đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về thời điểm hiệu lực của luật là ngày 1/1/2023 thay cho ngày 1/7/2023 như Dự thảo.

Về bố cục và kết cấu của dự án Luật, Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế để điều chỉnh lại Chương VI về tài chính hạch toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm thành 1 mục của Chương III doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm; quy định rõ về Ban kiểm soát và nói rõ chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời tách mục 8, Chương III của dự thảo Luật thành một chương riêng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng số và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm để giảm chi phí.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện các khái niệm, quy định các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định rõ hơn, cụ thể hơn về hợp đồng bảo hiểm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường,.. Quy định về đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp và tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng.

Bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho hay, sẽ đưa các nội dung cần thiết đối với bảo hiểm vi mô vào chương Bảo hiểm vi mô như về điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô và đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế.

Nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô là một loại hình bảo hiểm mới và đồng thời cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với những người yếu thế, thì bảo hiểm vi mô mang tính lợi nhuận không cao và mang tính rủi ro, khi quy định về vấn đề này hiện nay cần có sự linh hoạt. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị đưa vào dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành.

Trước những băn khoăn của đại biểu Quốc hội khi dự thảo Luật có nhiều quy định giao Chính phủ hướng dẫn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ, chủ yếu những nội dung mà Chính phủ hướng dẫn là có tính kỹ thuật và chính sách của nhà nước phù hợp với từng thời kỳ đề cập nhật kịp thời các chính sách và đảm bảo cho luật ổn định lâu dài và phù hợp với thực tiễn.

So với Luật hiện hành giao cho Chính phủ hướng dẫn 48 nội dung, đối với dự án Luật mới bổ sung này đề nghị giao Chính phủ 18 nội dung và Bộ Tài chính hướng dẫn 14 nội dung.

Về việc cung cấp thông tin và lo ngại về bí mật của cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác. Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đảm bảo đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị ghi rõ các loại bảo hiểm bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, Dự thảo chỉ đưa vào ba loại bảo hiểm bắt buộc, còn các loại bảo hiểm khác được Quốc hội quy định. Hiện nay, Quốc hội quy định theo các luật chuyên ngành, có 44 luật và không loại trừ về bảo hiểm bắt buộc trong tương lai. Do đó, trong luật này chỉ quy định khái quát mà không ghi cụ thể từng loại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, theo kinh nghiệm quốc tế để bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội cũng chỉ đưa ra 3 loại bảo hiểm là bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc, bảo hiểm cháy, nổ và bảo hiểm xây dựng được quy định rõ trong luật, còn các loại hình bảo hiểm khác theo các luật chuyên ngành.

Về việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, môi trường bảo hiểm, dự thảo Luật giao cho Bộ Tài chính, theo đó, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Đối với phần bồi dưỡng, đào tạo đã chuyển giao cho các doanh nghiệp, cho nhà trường, cho các hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá, cho nên đối với doanh nghiệp kiểm toán độc lập hay định giá, chứng khoán đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ để quản lý một cách có chất lượng.

Hơn nữa, bảo hiểm là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và chuyên sâu cần được quản lý. Một khi doanh nghiệp bảo hiểm đổ vỡ thì ảnh hưởng cũng tương tự như ngân hàng thương mại đổ vỡ, ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, do đây là luật có tính chất chuyên môn cao, cho nên cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện để đảm bảo luật một cách tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...