Quốc hội họp bất thường lần này sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung cấp bách

GD&TĐ - Sáng 4/1, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các vị khách quốc tế.

Hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung: Về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron; những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch Covd-19 nói chung và tại Công ty Việt Á.

Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo trên, dự lường những vấn đề lớn có thể phát sinh trong thời gian tới, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội những quyết sách, giải pháp cụ thể, để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại: Trong năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực.

Lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp; các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính vượt kế hoạch. Cán cân thương mại duy trì thặng dư. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường cả ở trong nước và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước chỉ đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều mục tiêu kế hoạch.

Rủi ro tín dụng, nguy cơ nợ xấu tiếp tục gia tăng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, lao động thiếu hụt, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.

“Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên khai mạc
Toàn cảnh phiên khai mạc

4 nội dung quan trọng

Theo đó, tại Kỳ họp bất thường này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng:

Thứ nhất, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Cvoid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.

Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, làm rõ: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025;

Quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả; Phạm vi, thời gian thực hiện chính sách;

Các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách và Trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình.

Thứ hai, Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. 

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, việc sớm triển khai thực hiện dự án càng có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tác dụng lan tỏa, củng cố liên kết vùng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các vị đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ và trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn 2017-2020; chỉ rõ những hạn chế, bất cập của giai đoạn trước làm bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời, tập trung cho ý kiến về hồ sơ dự án; sự phù hợp của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan và phạm vi, quy mô của dự án; về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính; về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư; về hình thức đầu tư; về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; về phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo đề nghị của Chính phủ; đánh giá sự tương quan giữa các dự án trong từng dự án khác nhau và trong tổng thể quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Dự án đã được cả các cơ quan Quốc hội và Chính phủ chuẩn bị công phu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.

Ở nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận kỹ lưỡng sự cần thiết và những nội dung sửa đổi, bổ sung. Trong đó, lưu ý bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học thực tiễn của từng chính sách sửa đổi, bổ sung; các quy định phải chặt chẽ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.

Thứ tư, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về từng chính sách, nhất là các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển Cần Thơ thành Thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, được cử tri, Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp, dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi; Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng;

Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để Kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 76 năm  Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2022), cùng với thành công của Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ