Quốc gia thống trị buôn bán vũ khí toàn cầu

GD&TĐ - Doanh thu buôn bán vũ khí của 42 công ty Mỹ nằm trong top 100 và chiếm 51% tổng doanh số bán vũ khí toàn cầu.

(Ảnh: Getty Images)
(Ảnh: Getty Images)

Một báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 4/12 cho thấy doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới đạt tổng trị giá 597 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo SIPRI, các công ty Mỹ tiếp tục thống trị thị trường mặc dù tổng doanh thu của họ giảm.

Con số tổng hợp của 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới đánh dấu mức giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn cao hơn 14% so với tổng số được ghi nhận trong năm 2015.

Các công ty Mỹ chứng kiến mức giảm tổng cộng 7,9% xuống còn 302 tỷ USD, nhưng vẫn chiếm 51% tổng doanh thu vũ khí năm 2022, với 42 công ty Mỹ nằm trong top 100 công ty hàng đầu thế giới.

Doanh thu của 26 nhà sản xuất vũ khí châu Âu trong bảng xếp hạng chứng kiến sự tăng nhẹ 0,9% lên 121 tỷ USD.

Theo SIPRI, sự sụt giảm toàn cầu chủ yếu là do doanh thu của các nhà sản xuất vũ khí lớn ở Mỹ giảm. Lĩnh vực này phải vật lộn với “các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động” liên quan đến đại dịch Covid-19.

SIPRI nhấn mạnh sản xuất vũ khí toàn cầu đã không theo kịp nhu cầu, vốn đã tăng mạnh năm ngoái do xung đột Ukraine và căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Hơn nữa, nhiều quốc gia đã đặt hàng vũ khí và dịch vụ quân sự vào cuối năm 2022, doanh thu từ đó dự kiến sẽ chỉ được phản ánh trong tài khoản công ty trong thời gian 2-3 năm.

Theo SIPRI, các nhà sản xuất vũ khí ở châu Á và Trung Đông có doanh thu tăng đáng kể trong năm ngoái, điều này chứng tỏ “khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng của họ trong khung thời gian ngắn hơn”.

Công ty nhà nước Rostec và United Shipbuilding Corporation là 2 công ty Nga duy nhất lọt vào top 100 của SIPRI. Tổng thu nhập của họ lên tới 20,8 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ