Hôm 1/1, tờ Financial Times dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tài nguyên năng lượng Geoffrey Pyatt về kế hoạch của Washington nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga trong dài hạn.
Đáp lại bình luận trên, ông Peskov cho biết: “Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng gây áp lực lên Nga, gồm cả hệ thống quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế, về cơ bản vốn đang bị phá hủy”.
Ông Peskov nói thêm, cần lưu ý rằng Mỹ là một nền kinh tế lớn, nhưng không phải là nền kinh tế duy nhất. Nền kinh tế Mỹ không phải là thế giới và có một quốc gia khác sau Mỹ là Trung Quốc.
Mỹ và đồng minh đã áp đặt lệnh cấm vận đơn phương đối với Nga năm 2022 với lý do xung đột Ukraine. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán xuất khẩu dầu khí của Nga có thể giảm ít nhất 40% vào năm 2030 nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục.
Ông Pyatt nói với Financial Times: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để biến điều đó thành hiện thực”. Ông cho biết mục tiêu của lệnh cấm vận là “thay đổi hành vi của Nga” nhưng cũng để đảm bảo rằng Moscow sẽ không thể tiến hành chiến tranh trong tương lai.
Tháng 12/2022, các nước G7 ban hành mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho bất kỳ ai muốn bán cao hơn mức giá đó. Với mục đích làm giảm lợi nhuận xuất khẩu năng lượng của Moscow, biện pháp này được cho là đã thất bại hoàn toàn.
Tuy doanh thu từ dầu khí của Nga giảm 46% xuống còn 426 tỷ rúp (4,6 tỷ USD) vào tháng 1/2023, đến tháng 10, con số này đã lên tới 1,635 nghìn tỷ rúp (17,6 tỷ USD).
Các quan chức EU buộc phải thừa nhận rằng “hầu như không có” lô hàng nào bị ảnh hưởng được bán bằng hoặc thấp hơn mức giá mong muốn của họ.