Theo ấn phẩm Expressen của Thụy Điển, Stockholm đã và đang mua đồng vị ở cấp nhà nước từ doanh nghiệp Elektrokhimpribor của Nga và các giao dịch được thực hiện thông qua các công ty giao nhận liên kết với GRU (Cơ quan Tình báo Quân đội thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga).
Theo đó, sản phẩm được bán trên trang web tiếng Anh của công ty Thụy Điển Neonest AB. Công ty Neonest AB chính là thành viên tham gia dự án Big Science của chính phủ, được tài trợ bởi cơ quan Vinnova và nhà nước Thụy Điển.
Chủ sở hữu của Neonest AB là một doanh nhân 44 tuổi đến từ St. Petersburg, Pyotr Vasiliev. Tuy nhiên, thông tin trên trang web không chỉ ra rằng các đồng vị này được cung cấp từ Nga.
Được biết, Thụy Điển là quốc gia đã đạt đủ chuẩn NATO và đang được xem xét kết nạp làm thành viên “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương”, nên mọi động thái của quốc gia Bắc Âu này trong quan hệ với Nga, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột với Ukraine đang leo thang, đều gây ra sự chú ý.
Tuy nhiên, chính quyền Stockholm từ trước đến nay công bố chỉ sử dụng các sản phẩm này cho mục đích y tế và khoa học.
Tờ báo Thụy Điển cũng lưu ý rằng, việc nhập khẩu sản phẩm hạt nhân từ Nga đã được thực hiện từ năm 2012 bởi 3 công ty khác nhau.
Hai trong số chúng trước đây được mạng lưới đặc vụ GRU sử dụng để cung cấp thiết bị cho quân đội Nga. Vào năm 2022, doanh thu của Neonest đã tăng từ 4,78 triệu SEK (460 nghìn USD) lên 12,25 triệu SEK (1,17 triệu USD).
Điều quan trọng cần lưu ý là việc xuất khẩu đồng vị phóng xạ từ Nga không phải chịu lệnh trừng phạt của châu Âu nên người mua không phải xác minh nguồn gốc của sản phẩm hạt nhân và không cần làm rõ thông tin về các công ty đứng sau việc bán đồng vị.
Mặc dù giao dịch mua bán đồng vị phóng xạ của Nga cho mục đích dân dụng không bị cấm nhưng giới chức phương Tây vẫn lưu ý các nước nên dùng sản phẩm thay thế của các đồng minh, nhằm tránh để Moscow hưởng lợi, sử dụng ngoại tệ để thực hiện các dự án quân sự.
Ngoài ra, Cơ quan Tình báo Quân đội Nga cũng là một thực thể chính phủ bị Mỹ và NATO áp đặt lệnh trừng phạt, cùng với Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga (SVR) và Cơ quan An ninh Nga (FSB) vì cuộc xung đột quân sự với Ukraine, nên các giao dịch với những chủ thể thuộc GRU cũng bị coi là phi pháp.