Quốc gia bên bờ sụp đổ

GD&TĐ - Haiti đã không thể tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2019 như dự kiến, trong khi Quốc hội không còn hoạt động vì nhiệm kỳ của các nghị sĩ đã hết hạn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Người dân quốc gia nghèo nhất khu vực Tây Bán Cầu là Haiti đang phải vật lộn với hàng loạt cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc như nạn đói, dịch tả, tội phạm băng đảng, trong khi vai trò đối phó của nhà nước gần như không còn.

Theo đánh giá của các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Haiti, tình trạng hỗn loạn đang bao trùm toàn bộ quốc gia vùng Caribe này, khiến kết cấu xã hội của Haiti bị đảo lộn tới mức đẩy đất nước đến bên bờ vực sụp đổ. Tình hình nghiêm trọng buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang liên tục phải thảo luận về cách hỗ trợ khôi phục trật tự tại đất nước này.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) xác nhận, cả nước Haiti đang trải qua nạn đói ở mức độ “thảm khốc”, trong khi dịch tả gây chết người lại bùng phát ở nhiều nơi mà không có đủ năng lực y tế ứng phó. Thêm vào đó, các băng nhóm vũ trang chuyên thực hiện các hành động bạo lực như một hình thức chiến tranh đang hoành hành càng đẩy Haiti vào tình trạng khốn cùng.

Các băng nhóm vũ trang chống chính phủ và xung đột lẫn nhau này còn phong tỏa nhiều bến cảng nhiên liệu của đất nước, trong đó kho trung chuyển dầu quan trọng tại Haiti là Varreux bị chiếm đóng suốt từ tháng 9 đến nay khiến nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng dầu trên diện rộng.

Tình trạng thiếu nhiên liệu này khiến giao thông vận tải ngưng trệ, dẫn đến thiếu hàng loạt hàng hóa thiết yếu bao gồm cả nước sạch. Các hoạt động kinh tế khác tại Haiti cũng gần như đóng băng vì thiếu xăng dầu, các bệnh viện hoặc phải đóng cửa hoặc phải hạn chế hoạt động vì không có đủ dầu diesel để chạy máy phát điện. Điện lưới ở Haiti luôn trong tình trạng có thể bị cắt bất cứ lúc nào.

Một trong những nơi các băng đảng tội phạm có vũ trang hoành hành mạnh nhất chính là thủ đô Port-au-Prince. Quốc gia láng giềng khu vực Trung Mỹ là Mexico đang kêu gọi thành lập một lực lượng đa quốc gia không thuộc Liên Hợp Quốc triển khai tới Haiti, nhằm tiêu diệt các băng nhóm tội phạm để giải cứu cuộc sống của người dân Haiti.

Một số quốc gia như Mỹ và Canada cũng cam kết hỗ trợ an ninh cho Haiti, nhưng chưa chính thức đề nghị gửi quân đến đây. Trong khi đó, quốc gia Bahamas láng giềng thậm chí tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Haiti nếu được Liên Hợp Quốc hoặc Tổ chức Cộng đồng Caribe (CARICOM) đề nghị.

Tuy đưa ra các thiện chí hỗ trợ an ninh, nhiều quốc gia vẫn lo ngại về mặt tiêu cực của một cuộc can thiệp quân sự vào Haiti. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc hoạt động tại Haiti trong giai đoạn 2004 - 2017 từng đối mặt chỉ trích về nhiều vấn đề, bao gồm vai trò của họ trong một đợt bùng phát dịch tả chết người.

Bóng ma dịch tả cũng đang quay lại khi Liên Hợp Quốc cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch ở Haiti tái hiện vụ năm 2010 kéo dài 9 năm khiến 10.000 ca tử vong. Các chuyên gia y tế và tổ chức phi chính phủ lo ngại rằng lịch sử sẽ lặp lại với dịch tả tại Haiti nếu không có các biện pháp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng thiếu thuốc men và nước uống cho người dân.

Trong khi đó, vai trò ứng phó của nhà nước Haiti với các cuộc khủng hoảng hiện nay gần như không có. Nước này đã không thể tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2019 như dự kiến, trong khi Quốc hội không còn hoạt động vì nhiệm kỳ của các nghị sĩ đã hết hạn.

Điều này dẫn đến mọi cấp chính quyền đều không có chính sách rõ ràng và khả năng quản trị, nên các cơ cấu cần thiết để giải quyết các vấn đề của đất nước đều rất yếu, khiến Haiti nằm bên bờ sụp đổ hoàn toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ