Đây là thực trạng đáng buồn không chỉ xảy ra với cơ sở đào tạo ngành Sư phạm tại Quảng Trị, mà tại một số địa phương khác có lẽ cũng rơi vào tình cảnh tương tự
Phòng học khóa kín cửa, bàn ghế phủ bụi
Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, trường CĐSP Quảng Trị được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Trường được xây dựng 3 dãy giảng đường chính, khu vực nhà hiệu bộ, đa chức năng… có thể đáp ứng việc học cho hơn 3.000 sinh viên. Nhưng hiện nay, dường như ngôi trường không phát huy hết công năng, chưa sử dụng hết cơ sở vật chất hiện có
Ghi nhận tại ngôi trường từng là “chiếc nôi” đào tạo ngành Sư phạm của tỉnh Quảng Trị, không gian bên ngoài khá vắng vẻ, đìu hiu. Ngoài một số phòng học đang sử dụng dạy học, phần lớn được khóa kín cửa, dán niêm phong. Hành lang không có bóng học viên đi lại.
Bên trong các phòng cũng im ắng, bàn ghế phủ bụi. Nhiều phòng chức năng, phòng thí nghiệm cũng không được sử dụng. Một số hạng mục trong phòng đang có dấu hiệu xuống cấp do lâu không sử dụng.
Tại các dãy phòng học, theo quan sát lớp CNTT chỉ có 9 học viên, lớp Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam có 11 sinh viên, chủ yếu là người Lào. Thậm chí, có lớp học chỉ có 3 học viên.
Theo TS. Trương Đình Thăng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐSP Quảng Trị, số lượng sinh viên vào trường bắt đầu giảm từ năm học 2014 và qua các năm càng thấp dần. Năm học 2011-2012 về trước, trường có đến 1.700 sinh viên.
Chật vật tuyển sinh
Phó Hiệu trưởng Trương Đình Thăng cho biết, trường có 6 phòng, 6 khoa, 2 tổ bộ môn và 4 trung tâm trực thuộc. Hiện trường có 10 tiến sĩ, 74 thạc sĩ, 37 người có trình độ Đại học.
Với chất lượng đội ngũ giảng viên trình độ cao như vậy, nhưng số lượng sinh viên theo học mỗi năm rất ít cũng gây lãng phí nguồn “chất xám” đối với nhà trường.
Năm học 2019-2020, trường mới chỉ tuyển được chưa đến 40 sinh viên. Trong đó, có 30 em ở ngành học Sư phạm Mầm non, 4 sinh viên còn lại chia cho 4 ngành, gồm: Sư phạm Âm nhạc, tiếng Anh, Giáo dục công dân, Giáo dục tiểu học.
Các ngành còn lại như Sư phạm tin học, lịch sử, mỹ thuật, vật lý, sinh học, kế toán, quản trị văn phòng... đều không tuyển được sinh viên. Được biết, trường đang thực hiện tuyển sinh đợt 3.
Phó Hiệu trưởng Trương Đình Thăng cho hay, mỗi ngành phải tuyển được 3 sinh viên nhà trường mới phân công giảng viên. Với những ngành tuyển được ít sinh viên hơn tiêu chí này, trường gửi các em đến trường cao đẳng khác để học.
Năm học này, toàn trường có 200 sinh viên chủ yếu là ở ngành học Sư phạm Mầm non. Sĩ số các lớp đều rất thấp. Khoa Sư phạm tiếng Anh chỉ có một lớp năm hai với 4 sinh viên. Các lớp khác duy trì sĩ số trên dưới 10 sinh viên.
Thiếu sinh viên nên nhà trường dồn lịch học vào buổi sáng, buổi chiều cho các hoạt động khác, nhiều phòng học, phòng thực hành cũng bỏ không.
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, bên cạnh công tác đào tạo hệ chính quy, nhà trường đã mở rộng các loại hình đào tạo liên thông, liên kết đào tạo, đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ Tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên, công chức, viên chức trong tỉnh.
Thầy Thăng lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong tuyển sinh: Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành chuẩn yêu cầu giáo viên dạy Tiểu học trở lên phải có trình độ đại học, như vậy trường chỉ còn đào tạo bậc Mầm non; điểm chuẩn đầu vào cao; nghề giáo ra trường khó xin việc, trong khi chế độ đãi ngộ không hấp dẫn,... khiến trường không tuyển được sinh viên.
Nhà trường đang trình đề án xin thành lập trường liên cấp, ngoài đào tạo hệ cao đẳng còn dạy từ cấp tiểu học đến phổ thông để đội ngũ giảng viên có cơ hội đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đồng thời tránh lãng phí cơ sở vật chất hiện có.
Năm 2017, nhiều trường Sư phạm lấy điểm chuẩn thấp, chỉ bằng mức sàn chung là 15,5, thậm chí có trường chỉ đặt ra ngưỡng 3 điểm mỗi môn. Điều này gây lo ngại cho xã hội bởi chất lượng giáo viên quá thấp, không thể đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Do đó, Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu có điểm sàn với ngành Sư phạm. Kỳ tuyển sinh 2019, ngành Sư phạm có mức điểm sàn là 18 điểm; Cao đẳng Sư phạm là 16 điểm, Trung cấp Sư phạm 14 điểm.