Khi trường tư tạo sức hút

GD&TĐ - Kết thúc đợt I mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2019, nhiều trường ĐH tư thục có kết quả tuyển sinh khá tốt. Mức điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) cao hơn nhiều trường đại học công lập. Điều đó cho thấy nhiều trường ĐH tư thục đang tạo nên sức hút với người học.

Tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa
Tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa

Trong lịch sử 3 mùa tuyển sinh ĐH theo đề thi 3 chung, từ năm 2015 đến nay, chưa bao giờ điểm chuẩn của các trường ĐH tư thục vượt qua ngưỡng 20 điểm đối với các tổ hợp xét tuyển (3 môn mỗi tổ hợp), thậm chí cả những ngành kết hợp điểm thi với điểm năng khiếu.

Những năm trước đây các trường tư thục “khóc ròng” vì tình trạng thí sinh ảo. Tuy nhiên, năm 2019, các trường ĐH tư thục lại tạo được dấu ấn khi đưa ra mức điểm chuẩn khá cao. Điển hình là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống khi ngành Y khoa lấy 23 điểm (điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 21 điểm). Ngành Dược học của Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng “xác lập kỷ lục” khi điểm chuẩn đến 22 điểm. Trường ĐH Văn Hiến có điểm chuẩn 15 - 18 điểm, tùy theo từng ngành.

Các trường tư thục có mức thu học phí không hề thấp, khoảng 18 - 40 triệu đồng/năm; đây là điều không dễ để thí sinh và gia đình chọn học. Song, để tạo được sức hút, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nhiều trường ĐH tư thục đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cơ sở, phòng học, phòng thí nghiệm. Đồng thời, các trường liên kết với các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Nhờ đó, nhiều trường tư hiện nay cạnh tranh sòng phẳng với các trường ĐH công lập.

Từ yếu tố tự chủ về thu chi, muốn tồn tại được, nhiều trường ĐH tư thục không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tìm kiếm, tạo dựng cơ hội việc làm cho sinh viên. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, với con số thống kê 72.000 cử nhân thất nghiệp, có thể thấy ngay cả sinh viên các trường ĐH công lập cũng đang “loay hoay” với vấn đề việc làm sau tốt nghiệp. Do đó, các trường ĐH tư thục trực thuộc tập đoàn kinh tế đang giải quyết rất tốt vấn đề việc làm cho sinh viên.

Có thể nói chọn trường công hay trường tư đã không còn quan trọng nữa. Quan trọng là bạn học trong môi trường như thế nào, được học những gì và có thể làm được những việc gì? Hiện, các cơ quan, doanh nghiệp không còn quan trọng bằng cấp trường công hay trường tư. Với họ, bằng cấp chỉ là giấy thông hành để bạn được vào phỏng vấn xin việc. Nếu bạn làm việc được, tấm bằng ấy có giá trị. Ngược lại, bạn không làm được việc, tấm bằng ấy vô nghĩa.

PGS.TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hóa, công nghệ số. Đại học bây giờ không còn là đại học tinh hoa nữa mà là ĐH của đại chúng, không phải chỉ có một vài người vào ĐH nữa. Do đó, cần sự công bằng trên yếu tố chất lượng và chỉ có con đường này mới phân định rạch ròi được trường mạnh, trường yếu.

Việc nhiều trường ĐH tư thục tuyển sinh thành công có thể nói là một dấu hiệu tích cực cho thấy không chỉ các trường công lập mới đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên. Việc những trường tư thục mặc dù thu học phí cao vẫn thu hút được người học càng khẳng định chủ trương xã hội hóa giáo dục ĐH là đúng đắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.