Quảng Trị: Hàng loạt dự án di dân có nguy cơ phá sản

GD&TĐ - Dự án khu tái định cư Khe Trổ hay Làng thanh niên lập nghiệp xã Hướng Hiệp được đầu tư nhiều tỉ đồng với mục tiêu nhân văn là tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân nhưng được triển khai nửa vời, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”… sống lay lắt qua ngày.

Nhà hộ dân dự án Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Nghiệp (Quảng Trị)
Nhà hộ dân dự án Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Nghiệp (Quảng Trị)

Vì sao những dự án được thẩm định, phê duyệt qua nhiều cấp không mang lại hiệu quả? Trách nhiệm của những tập thể, cá nhân ở tỉnh Quảng Trị trong những dự án kiểu như vậy là ở đâu?

Nửa vời

Dự án khu tái định cư Khe Trổ (xã miền núi Vĩnh Hà, Vĩnh Linh) được triển khai vào năm 2014. Một số công trình xây dựng cơ bản như đường sá, nhà mẫu giáo, giếng nước, nhà ở… cho các hộ dân đã hình thành. Theo dự án này, mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng xây nhà và 6 tháng lương thực. Sau đó, dự kiến mỗi hộ sẽ được cấp 2ha đất để tự túc làm ăn, sản xuất.

Nhưng 4 năm đã trôi qua, giữa cái nắng gắt chói chang, khu tái định cư gần như trơ trọi trên đồi cao với những mái nhà hầm hập nóng. Người dân vẫn phấp phỏng, đứng ngồi không yên vì chưa có đất sản xuất. Trưởng thôn Hồ Văn Huyền trầm tư : “Họp hành kiến nghị mãi mà đất sản xuất vẫn không có”.

Không có đất, không có công ăn việc làm ổn định, không có thu nhập và không có nhiều thứ khác khiến đời sống người dân rất bấp bênh. Họ phải bươn chải, chạy vạy để có tiền ăn từng bữa.

Tình cờ hôm chúng tôi đến đây cũng là dịp nhân viên ngân hàng chính sách đi thu lãi. Gần như cả thôn này đi vay, 58/60 hộ vay ngân hàng. Nhà nước cho vay thì cứ vay, đang túng thiếu, khổ cực thấy tiền thì cứ vay đắp đổi qua ngày rồi tính sau. Lại thêm một tình cảnh không thể làm ngơ trước cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Trước khi đến sống ở khu tái định cư, toàn bộ người dân thuộc diện hộ nghèo. Vì khổ cực, thiếu đất sản xuất nên di dân đến đây với mong muốn đổi đời. Nhưng 4 năm qua, mọi chuyện không thay đổi, thậm chí còn tệ hơn trước. Khổ vẫn hoàn khổ, đói nghèo vẫn cứ đói nghèo. Chị Hồ Thị Lành, cư dân của Khe Trổ ngao ngán: “Không biết mần chi mà ăn, khổ lắm”.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, bà con còn thiếu cả nước sinh hoạt, thiếu cây xanh bóng mát. Mùa hè dù nóng nực nhưng vẫn có thể làm thuê kiếm tiền mua gạo, nhưng đến mùa mưa thì chỉ còn cách bó tay nhìn trời. Nhiều hộ đã tính chuyện bỏ về nơi ở cũ dù đó là con đường bất đắc dĩ. Chị Hồ Thị Tư thở dài: “Kiểu này thì cũng phải về bản cũ thôi”.

Đường vào khu di dân Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp
  • Đường vào khu di dân Làng thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp

Đầu voi, đuôi chuột

Năm 2008, dự án “Làng thanh niên lập nghiệp xã Hướng Hiệp” thuộc huyện miền núi Đakrông do Tỉnh đoàn Quảng Trị làm chủ đầu tư, Tổng đội TNXP thực hiện được triển khai với tổng kinh phí dự kiến 34 tỷ đồng nhằm tạo sinh kế cho 150 hộ, 300 lao động là thanh niên và người dân địa phương trồng mới 250 ha cao su, 300 ha rừng sản xuất, bảo vệ cho 3.000 ha rừng tự nhiên... Dù mới chỉ nằm trên giấy, nhưng mới nghe cũng đã phấn khởi cho đời sống bà con dân tộc Vân Kiều.

Sau khi điều chỉnh kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng hết 33 tỷ đồng, thu hút 90 hộ thanh niên lập nghiệp, dự án “Làng thanh niên lập nghiệp xã Hướng Hiệp” được bàn giao lại cho địa phương quản lý từ năm 2015. Khảo sát tại thực địa khu vực triển khai dự án cho thấy nhiều trở ngại bất khả kháng. Chỗ thì đá sỏi quá nhiều không thể khai hoang trồng trọt, chỗ thì đất đã có chủ từ lâu…nên hầu như không có đất cho sản xuất nông nghiệp. Do quy mô dự án teo lại nên nhiều hạng mục bị loại như trường tiểu học, nhà văn hóa cộng đồng, vườn ươm lâm nghiệp, khai hoang ruộng nước...

Đập vào mắt chúng tôi khi từ trung tâm xã Hướng Hiệp vào đến bản Pa Loang là 20 ngôi nhà trơ trọi giữa thiên nhiên. Ngay cả đường giao thông, yếu tố tối quan trọng đối với vùng sâu vùng xa cũng triển khai rất tùy tiện. Những chiếc cầu, cống ngầm vượt suối làm thấp hơn so với mặt đường. Chỉ cần một trận mưa vừa cũng đã tắc đường, chưa nói đến mùa mưa thì vùng dự án bị chia, cắt, cô lập dễ như trở bàn tay.

Không đất sản xuất, không kế sinh nhai, người dân chỉ còn nước đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy, miễn kiếm được đồng tiền sống qua ngày. Thực trạng này kéo dài nhiều năm nay và chưa có giải pháp thay thế.

Bà con trong diện di dân theo làng thành niên lập nghiệp Hướng Hiệp đang sống ở bản Pa Loang ai nấy đều ngao ngán. “Nghe dự án có nhà, có đất bà con ai cũng mừng, nhưng lên đây nhiều năm nay không thấy gì cả. Họp hành, kiến nghị mãi mà không thấy đất đai đâu cả. Khổ lắm rồi mà không biết kêu ai” - Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Pa Loang, anh Hồ Văn Chăn than thở. “Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc đồng bào khó lòng sống nổi. Thiếu đất trầm trọng thì cái nghèo, cái khổ không biết đến lúc nào mới chấm dứt”.

Khu di dân Vĩnh Hà 9 (Quảng Trị)
  • Khu di dân Vĩnh Hà 9 (Quảng Trị)

Đá bóng quanh sân

Bức xúc của người dân Khe Trổ đã được nêu, kiến nghị tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và họp bàn ở nhiều cấp. Nhiều ý kiến được nêu lên về việc chính quyền, các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt, tích cực chứ không dừng ở những lời hứa hẹn để người dân được thụ hưởng mục đích tốt đẹp, nhân văn của dự án. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Hà cho rằng người dân, cử tri bức xúc vì : “Chuyện này đã qua nhiều cấp, lên đến lãnh đạo tỉnh nhưng thắc mắc của người dân về đất vẫn chưa được giải quyết”.

Còn ông Lê Văn Quyền, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị khi trả lời báo chí đã phân trần: “Do tính chất cấp thiết của dự án nên cứ di dân trước rồi đất sản xuất sẽ tính sau vì cứ nghĩ đơn giản đất rừng mênh mông. Nhưng không ngờ Công ty Lâm nghiệp Bến Hải (huyện Vĩnh Linh) đã được cấp đất trồng rừng (ngay tại khu vực này) nên sau này không còn đất để cấp cho dân...”. Ban Dân tộc cũng đã đề nghị Sở TN&MT thu hồi đất nhưng Công ty Lâm nghiệp Bến Hải cho rằng, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và đã đầu tư trồng rừng. Nếu tỉnh muốn thu hồi thì phải đền bù cho doanh nghiệp. Hiện tại, tỉnh còn khó khăn nên giải pháp này cũng khó khả thi.

Khi được hỏi về dự án “Làng thanh niên lập nghiệp xã Hướng Hiệp” - ông Trương Quốc Thắng, nguyên Tổng đội trưởng TNXP Quảng Trị, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án “Làng Thanh niên lập nghiệp Hướng Hiệp” trả lời vòng vo nhưng rồi cũng phải thừa nhận dự án không thành công và có phần trách nhiệm của những người thực hiện. Cũng cần nói thêm rằng, ông Thắng từng thực hiện dự án “Làng thanh niên lập nghiệp Vĩnh Linh” trước đó cũng không gạt hái thành công và để lại nhiều hệ lụy.

Kết thúc bài viết này, xin nhắc lại lời chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp, ông Hồ Chí Cường: “Làm thế nào để bà con có đất sản xuất, an cư lạc nghiệp là điều chính quyền cơ sở mong mỏi nhất. Nhưng đó là chuyện của dự án và nằm ngoài tầm tay của chính quyền cơ sở. Còn chúng tôi thì năm nào cũng chỉ biết kiến nghị mà thôi. Lúc nào mới được giải quyết thì không rõ?”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ