Tỉnh cũng có những chiến lược với mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân
Quảng Ninh không chỉ là tỉnh đạt các chỉ số phát triển kinh tế cao trong cả nước mà còn được đánh giá các công tác tuyển sinh, hướng nghiệp cũng như tạo công ăn việc làm, tuyển dụng nguồn nhân lực tại địa phương tốt trên cả nước.
Có được điều này, nhiều năm qua, tỉnh đã phát huy công tác tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh phát triển kinh tế. Vì thế, có nhiều hoạt động trong việc hỗ trợ học sinh bậc THPT định hướng học tập, lựa chọn ngành nghề, chọn môi trường đào tạo phù hợp với điều kiện, nguyện vọng chính đáng. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, tỉnh liên tục có sự đổi mới cả về nội dung, hình thức tư vấn, đáp ứng kịp xu hướng phát triển của xã hội để từ đó có những định hướng nghề nghiệp phù hợp. Ngoài các đơn vị tuyển dụng, các hoạt động luôn có các chuyên gia giáo dục tư vấn đến các em, giúp các em nhận ra các điểm mạnh của bản thân, đam mê để từ đó truyền lửa nhiệt huyết giúp các em chọn đúng ngành nghề. Nhất là, trước vô vàn các thông tin về nghề nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các em được học cách sàng lọc ra nguồn thông tin, chọn thông tin đáng tin cậy nhất, có những hiểu biết và động lực bước đầu về ngành học…Đây cũng là yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Trả lời báo chí về việc tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Sở LĐ-TB&XH, cho biết, ngày hội tư vấn tuyển sinh, các chương trình giáo dục hướng nghiệp do Sở LĐ-TB&XH và Tỉnh Đoàn phối hợp triển khai những năm qua là một trong những giải pháp khá hiệu quả. Đây là dịp để các em học sinh được gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp cùng các chuyên gia giáo dục, đại diện các cơ sở GDNN của tỉnh để được cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống về sự phát triển của thị trường lao động, sự đa dạng của các môi trường đào tạo tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị doanh nghiệp tại địa phương cũng tham gia giới thiệu, quảng bá, thu hút nhân lực để tạo nguồn lao động qua đào tạo chất lượng cao cho tương lai gần, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn cũng cho hay, từ năm 2018, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Với mục tiêu lấy học sinh là trung tâm của ngành giáo dục Quảng Ninh, các em được quan tâm, hỗ trợ sâu sát để có đủ hành trang khi quyết định hướng đi sau khi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, các nhà trường tích cực đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp vào chương trình học từ lớp 9 đến 12, với thời lượng 9 tiết/năm học. Riêng hoạt động giáo dục nghề phổ thông thực hiện đối với học sinh lớp 11, thời lượng là khoảng 105 tiết/năm học.
Tùy theo điều kiện cụ thể, một số nhà trường còn chủ động xây dựng các chương trình ngoại khoá về nội dung hướng nghiệp cho học sinh; tham quan thực tế về công tác đào tạo, cơ sở vật chất tại một số trường đại học, cao đẳng... Từ đó, các em có kế hoạch, định hướng từ sớm, phù hợp để phấn đấu dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với đúng nguyện vọng và sở trường, đáp ứng thị trường lao động. Các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên...
Đáng nói, ngày 28/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân; đặc biệt là yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 87,5%; có ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia...
Đến năm đến năm 2030, tỉnh phấn đầu thu hút từ 50% - 55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; khoảng 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; có ít nhất 2 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 20 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có từ 10- 15 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4...