Hướng nghiệp sớm học sinh càng có lợi
THPT nói chung hay lớp 12 là giai đoạn quan trọng của tuổi trẻ. Việc đặt bút hay chỉ nút bấm bàn phím chọn đúng trường là bước ngoặt trong mỗi cuộc đời của các em học sinh. Vì thế, việc được hướng nghiệp từ sớm để chọn đúng trường rất quan trọng.
Theo các chuyên gia, thì việc định hướng nghề nghiệp chính là việc học sinh chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức đầy đủ về các ngành nghề, xu thế xã hội để từ đó có được những quyết định đúng đắn cho bản thân.
Việc định hướng nghề nghiệp giúp các bạn có thể tự tin lựa chọn nghề nghiệp hay trường đại học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Việc lựa chọn được đúng các ngành nghề sẽ giúp các bạn có thể phát huy được tối đa những khả năng và điểm mạnh của bản thân, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong công việc sau này.
Chính vì lợi ích như vậy mà bất kỳ ai cũng có thể thấy được mặt tích cực của việc tư vấn định hướng nghề nghiệp.
Không chỉ lớp 12 mà ngay từ giai đoạn học THPT như lớp 10 - 11, thậm chí giai đoạn THCS, các em nên được định hướng nghề nghiệp. Việc được hướng nghiệp từ sớm càng giúp các em nhận ra mình thích điều gì, có điểm mạnh gì và điểm yếu như thế nào để có thể chọn được một nghề nghiệp hay công việc thật phù hợp trong tương lai.
Đồng thời, hướng nghiệp càng sớm giúp các em có thời gian để chuẩn bị tinh thần, kiến thức cũng như tìm hiểu sâu về nghề từ đó giúp nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội.
Ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác như Anh, Úc, Canada, ngay từ lớp 10 và 11, học sinh đã phải lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp ở bậc đại học. Chính vì vậy, các em phải được hướng nghiệp rất rõ ràng từ trước năm 16 tuổi. Nếu đến lớp 12 mới tư vấn hướng nghiệp thì học sinh sẽ còn rất ít thời gian và khó lòng có thể đạt được những ước mơ và mục tiêu của mình.
Theo khung hướng nghiệp của Bộ giáo dục và Đào tạo Mỹ, thời điểm vàng để hướng nghiệp cho học sinh là vào năm lớp 8 và lớp 9. Do vậy, việc thiết kế và xây dựng, lồng ghép hoạt động tư vấn hướng nghiệp vào quá trình học của học sinh để giúp các em sớm có định hướng rõ ràng.
“Trước đây, chỉ gần giai đoạn làm hồ sơ thi tốt nghiệp lớp 12, chọn trường thì các em mới được định hướng. Nhưng nay, quá trình hướng nghiệp sớm là những thay đổi không chỉ ở gia đình, các trường mà cũng được ngành giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục, trung tâm GDNN - GDTX chú trọng. Các đơn vị đã tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em xuyên suốt hơn”, thầy Nguyễn Trọng Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, Yên Thành, Nghệ An cho hay.
4 câu hỏi giúp chọn nghề phù hợp
Thay vì trước đây “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, việc quyết định học hay làm gì đều do cha mẹ thì nay các em có sự tự quyết cao hơn. Ngoài việc định hướng của phụ huynh, thầy cô cùng các chuyên gia về giáo dục hướng nghiệp, các em cũng có xu hướng tự khám phá bản thân, tìm hiểu về trường/nghề, đánh giá các xu hướng xã hội để đưa ra các quyết định.
Trước thực tế đó, bộ 4 câu hỏi sau đây giúp các em tham khảo, tự trả lời để đưa ra lựa chọn nghề phù hợp hơn.
Câu hỏi 1: Tôi thích nghề gì?
Để trả lời câu hỏi này, bạn hãy liệt kê những nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn về nghề nghiệp: cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, thu nhập, giờ giấc, tính chất công việc hấp dẫn, uy tín xã hội. Sau đó, hãy lập danh sách thứ tự ưu tiên nghề.
Câu hỏi 2: Tôi phù hợp với nghề gì?
Tìm hiểu yêu cầu của từng nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…). Hiện có nhiều cách để tìm hiểu về nghề thông qua báo chí, mạng xã hội, các trang web của công ty cũng như các yêu cầu tuyển dụng… Qua tìm hiểu này, bạn sẽ nhận ra, mình phù hợp nghề gì.
Câu hỏi 3: Tôi chọn nghề gì?
Khi đã có 2 câu trả lời trên thì bạn phải trả lời câu hỏi này nhằm đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Liệu nghề mình thích có phù hợp với bản thân hay không? Đây là lúc bạn đặt lên bàn cân các yếu tố bao gồm năng lực học tập, sức khỏe, tính cách, nội dung công việc, điều kiện làm việc, thậm chí là điều kiện kinh tế.
Câu hỏi 4: Tôi nên học ở đâu?
Khi đã lựa chọn, bạn cần tìm hiểu về việc học và phát triển nghề, và đây là câu hỏi cần bạn trả lời. Các yếu tố liên quan câu hỏi này như nghề đó thuộc lĩnh vực nào - trường nào có đào tạo, nên học trường công hay tư, chỉ tiêu – điểm xét tuyển, danh tiếng – uy tín (thời gian thành lập – thành tích), thời gian đào tạo (đại học – cao đẳng – trung cấp), địa điểm đào tạo (gần nhà – xa nhà)...