Quảng Nam: Hỗ trợ HS vùng biên thoát nguy cơ bỏ học

GD&TĐ - Đứng trước nguy cơ hàng trăm HS có thể phải bỏ học vì điều kiện khó khăn, chính quyền huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đã có văn bản kiến nghị với tỉnh Quảng Nam đề nghị có phương án hỗ trợ kịp thời cho các trường học và HS, khi các chế độ chính sách hỗ trợ cho HS không còn.

Quảng Nam: Hỗ trợ HS vùng biên thoát nguy cơ bỏ học

Hơn 250 HS bị cắt chế độ bán trú

Cô giáo Hồ Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), cho biết: Bước vào năm học 2017 - 2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi có tới 180 HS không còn được hưởng chế độ hỗ trợ bán trú. Trong khi đó, hầu hết các em đều ở các thôn rất xa trường, có nơi phải đi bộ đến 4 tiếng, đầu năm học, có hơn 60 em không đi học.

Trao đổi vấn đề này với chính quyền huyện Tây Giang, ông Arất BLúi - Phó Chủ tịch huyện - cho hay: Không riêng gì Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi xảy ra tình trạng này, mà nhiều trường học khác trên địa bàn gặp phải khó khăn, bất cập tương tự.

Ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, trên địa bàn huyện có hơn 250 HS không còn được hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Cụ thể, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi có 180 em; Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bhalêê 33 em; Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc 41 em...”.

Cũng theo ông Arất BLúi, trước đây theo quy định Nghị định 116 của Chính phủ, các em được hỗ trợ 520.000 đồng và 15 kg gạo một tháng, bây giờ thì không còn gì nữa vì xét theo Quyết định 50 và 582 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2017 phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn, các xã khu vực 3, 2, 1, vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi nhiều tỉnh cả nước, huyện biên giới Tây Giang có nhiều thôn, xã đảm bảo tiêu chí “thoát nghèo”, kéo theo nguy cơ hàng trăm HS có thể bỏ học do khó khăn.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cho biết: Để giải quyết những khó khăn bất cập này, huyện Tây Giang đã trích kinh phí hỗ trợ mỗi em 360.000 đồng và 10 kg gạo/tháng.

Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác hỗ trợ này chỉ duy trì được đến hết năm 2017, còn qua năm 2018 chỉ biết trong chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam và từ Trung ương.

Cùng với chính quyền tích cực hỗ trợ HS, các trường học trên địa bàn cũng khẩn trương tổ chức tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi lợn nhằm có nguồn thực phẩm cho bếp ăn của HS... Vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua giấy bút, chăn màn, xà phòng... cho các em HS.

Cô Hồ Thị Tâm bày tỏ sự lo lắng: “Nỗi lo lớn nhất của những người giáo viên trường học hiện nay là qua năm 2018 khi các hỗ trợ từ chính quyền huyện Tây Giang không còn thì tình hình này không biết tính thế nào? Chúng tôi thực sự rất lo lắng, lo lắng bởi HS có thể bỏ học bất cứ lúc nào!”.

Mong chờ sự hỗ trợ kịp thời

Trước thực tế trên, UBND huyện Tây Giang vừa có Tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị có phương án thực hiện hỗ trợ HS, trường học trên địa bàn. Tờ trình cho biết Tây Giang là huyện có 8/10 xã thuộc vùng núi cao biên giới, gần 100% làng đồng bào dân tộc Cơ Tu, giao thông cách trở, thuộc nhóm huyện nghèo nhất nước.

Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân đã có nhiều nỗ lực trên các lĩnh vực, nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhưng thực sự tính ổn định chưa bền vững.

Tuy nhiên, hầu hết các địa bàn thôn, bản đưa ra khỏi danh sách các thôn, bản có điều kiện đặc biệt khó khăn lần này đều năm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, có nơi đi bộ phải mất hơn nửa ngày đi bộ mới tới nơi, không đường, không điện, không trạm y tế, đời sống hết sức khó khăn.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch H. Tây Giang phân tích: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần tạo sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ngày 3/1/2016 về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, thay thế Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thay thế Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 601/QĐ-UBDT ngày 29/10/2015 về công nhận bổ sung, điều chỉnh thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III vùng dân tộc và miền núi; Quyết định số 73/QĐ-UBDT ngày 29/2/2016 của Ủy ban Dân tộc về điều chỉnh xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tây Giang có 39/70 thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, thực trạng các thôn đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn vẫn còn thiếu thốn rất nhiều như: Điện, đường, trường và các công trình dân sinh bức xúc khác; đồng thời, điều kiện đi lại, học tập của HS nơi đây còn quá khó khăn. Thực tế, huyện Tây Giang là một trong các huyện nghèo được thụ hưởng các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/CP, cơ sở hạ tầng chưa thật sự phát triển, đời sống nhân dân còn nghèo, thu nhập không mang tính bền vững, ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình GD&ĐT địa phương.

“UBND huyện Tây Giang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam quan tâm xem xét đề nghị Trung ương bổ sung thêm 18 thôn đã thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 27/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ) vào danh sách thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nâng xã Bhalêê, xã Lăng từ xã khu vực II lên xã khu vực III và xã Anông từ xã khu vực I lên xã khu vực II” - ông Bhling Mia đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ