(GD&TĐ)- Sáng nay (27/9), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có buổi làm việc với đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, những kết quả đạt được cũng như tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của tỉnh đang gặp phải để nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Tham gia buổi làm việc có đông đủ đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD-ĐT. Về phía tỉnh Quảng Nam, đồng chí Trần Minh Cả, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn công tác.
Buổi làm việc của Bộ GD-ĐT với đoàn công tác tỉnh Quảng Nam. Ảnh, gdtd.vn |
Về tình hình triển khai các nhiệm vụ GD-ĐT của địa phương trong thời gian qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Nguyễn Tấn Thắng cho biết: quy mô giáo dục ở các cấp học, ngành học của tỉnh Quảng Nam tiếp tục được giữ vững và không ngừng được mở rộng, nhất là cấp THCS và THPT.
Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 759 trường học và cơ sở giáo dục (tăng 5 trường so với năm học 2010-2011) với 10.745 lớp học và 325.093 học sinh; có 26.909 sinh viên ĐH, CĐ và TCCN. Số học sinh đi học so với tổng dân số của tỉnh chiếm tỉ lệ 24,7%.
Quảng Nam đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập GDTH- chống mù chữ năm 1997. Năm 2008 đạt chuẩn về phổ cập GDTH đúng độ tuổi. Năm 2009 đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS với tỉ lệ cao: 18/18 huyện đạt chuẩn, 237/240 (98,75%) xã đạt chuẩn.
Năm học 2010-2011, toàn ngành giáo dục Quảng Nam đã gặt hái nhiều thành tựu: có 22 học sinh đạt giải trong kì thi HSG cấp quốc gia; trong kì thi Olympic quốc gia, học sinh của trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm của tỉnh đã đoạt 22 huy chương các loại.
98% trẻ 5 tuổi được huy động đến lớp, 97,3% số trẻ từ 6-10 tuổi được huy động đến lớp, trong đó học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 95,5%. Tỉ lệ 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm đạt cao 99,5%.
Tỉ lệ học sinh THCS trong độ 11-14 tuổi đến trường đạt 81,2%, đi học đúng tuổi đạt 87,4%. Đáng chú ý, trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Quảng Nam thi đỗ ĐH-CĐ đạt trên 21%.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã chú trọng sửa chữa, xây mới nhà làm việc, trường, lớp học cho các cấp quản lý giáo dục, trường học, các cơ sở giáo dục. Trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn của địa phương, tỉnh đã xây dựng mới, sửa chữa 728 phòng học (trong đó xây mới 509 phòng học)
Nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008- 2012, tỉnh Quảng Nam được giao trên 235,6 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ 156,7 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh bằng nguồn ngân sách địa phương là 69,289 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của Đề án, sẽ triển khai xây dựng 1.278 phòng học và 322 nhà công vụ; thực tế đã hoàn thành 919 phòng học và 150 nhà công vụ, số còn lại đang triển khai xây dựng gồm 484 phòng học và 87 nhà công vụ.
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do ông Trần Minh Cả (giữa) làm trưởng đoàn tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT. Ảnh, gdtd.vn |
Tính đến nay, địa phương đã giải ngân gần 100% số vốn đã được phân bổ trên cơ sở khối lượng xây dựng thực tế. Với ngân sách địa phương, đã giải ngân 29,282 tỷ đồng, đạt trên 64% kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Đình Cả, cho biết: Trong số học sinh thi đỗ các trường ĐH-CĐ vừa qua có 14 em đỗ thủ khoa. Đáng chú ý có 4 thủ khoa trường và 6 thủ khoa ngành.
Tỉnh Quảng Nam đang chú trọng việc tạo nhân lực có chất lượng cao tại chỗ bằng cách tạo cơ chế ưu đãi ngay khi các tân sinh viên bắt đầu đi học. Cụ thể, địa phương đã có nguồn nhân lực cho các ngành, theo đó, ngành nào còn thiếu và cần nhân lực, tỉnh sẽ chu cấp toàn bộ chi phí cho các sinh viên đỗ vào các ngành này của các trường ĐH để sau khi tốt nghiệp ra trường, quay trở lại làm việc, cống hiến tại địa phương.
Chính sách trên còn thể hiện ở việc nhanh chóng triển khai thực hiện Dự án trường chuyên của tỉnh. Dự án Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được tỉnh Quảng Nam xây dựng với tổng mức đầu tư trên 232 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn, dự kiến xây dựng trong 3 năm, từ 2011- 2013. Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung các nguồn lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án. Kết quả là trong năm đầu tiên triển khai thực hiện, đã hoàn thành cơ bản giai đoạn 1 và đưa trường này đi vào giảng dạy ngay trong năm học 2011-2012.
Về ngành giáo dục, Quảng Nam có nhiều ưu đãi về cơ chế tài chính và công tác luân chuyển cán bộ, giáo viên. Ông Cả cho biết, bên cạnh số lương theo ngạch, hàng tháng tỉnh chi phụ cấp thêm cho giáo viên bằng 100% số lương bằng nguồn ngân sách địa phương. Trong năm qua, tỉnh đã thực hiện luân chuyển 80 giáo viên, trong đó có 70 giáo viên từ miền núi về đồng bằng và 10 giáo viên từ đồng bằng lên miền núi công tác...
Song, bên cạnh những thuận lợi, ngành giáo dục Quảng Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra cũng như giữ vững những thành quả đã đạt được.
Ông Trần Minh Cả cho biết thêm: hiện toàn tỉnh còn có xã chưa có (trắng) trường Mầm Non và Tiểu học. Hàng năm, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh tập trung đầu tư kinh phí để xóa phòng học tạm, tuy nhiên số lượng thực hiện được không nhiều do nguồn lực tài chính của tỉnh hạn hẹp. Hiện tỉnh cón đến 4.277 phòng học bán kiên cố và tạm bợ 379 phòng học. Bên cạnh đó là trang thiết bị, đồ dùng dạy và học còn thiếu rất nhiều.
Về đội ngũ, một bộ phận giáo viên và quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông và năng lực quản lý, năng lực chuyên môn.
Đoàn công tác đề nghị Bộ GD-ĐT có giải pháp tiếp tục hỗ trợ địa phương bổ sung danh mục đầu tư Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2012-2015 với tổng số 2.262 phòng học và nhà công vụ; đề nghị được tăng nguồn vốn Trái phiểu Chính phủ hỗ trợ xây dựng Đề án từ 60 % lên 80% cho giai đoạn tiếp theo 2012-2015.
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh, gdtd.vn |
Đề nghị tiếp tục được hỗ trợ kinh phí đầu tư cho giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng nhiều khó khăn; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy học phục vụ Đề án giáo dục mầm non 5 tuổi; hỗ trợ xóa mù chữ và duy trì kết quả phổ cập GDTH, củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục THCS; hỗ trợ đào tạo 150 Thạc sĩ tạo nguồn cán bộ quản lý ngành giáo dục; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đặc biệt là trang bị cho trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đang đầu tư xây dựng, còn thiếu cơ bản trang thiết bị dạy và học...
Tại buổi làm việc, các Cục, Vụ chức năng- Bộ GD-ĐT đã đóng góp các ý kiến, hướng dẫn về phương hướng, cách giải quyết, tháo gỡ các khó khăn nêu trên của tỉnh Quảng Nam.
Kết thúc buổi làm việc, thứ trưởng Trần Quang Quý đã biểu dương tỉnh Quảng Nam, tuy là một tỉnh còn nhiều khó khăn việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra và thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra nhưng đã chú trọng đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, có chính sách đặc biệt với giáo viên, đặc biệt là việc xây dựng Dự án trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Để sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh thực sự phát triển bền vững, thứ trưởng yêu cầu tỉnh Quảng Nam phải chú trọng đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa để giáo dục các vùng này phát triển. Đặc biệt lưu ý đến việc xóa các xã còn trắng trường Mầm non và Tiểu học mới mong giữ vững và nâng cấp các mức độ chuẩn giáo dục.
Ngoài việc nhanh chóng bố trí nguồn vốn đối ứng (còn gần 40 tỷ đồng, trên 35%) vốn Trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng trường lớp học giai đoạn 2008-2012 để hoàn thành các hạng mục còn dang dở; địa phương cần tiếp tục lập danh danh mục đầu tư theo đúng mục đích để trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đầu tư giai đoạn tiếp theo. Việc Quảng Nam đề nghị tăng mức hỗ trợ vốn Trái phiếu Chính phủ , Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra tại Hội đồng thẩm định gồm Bộ kế hoạch- Đầu tư, Tài chính xem xét.
Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị Sở GD-ĐT Quảng Nam bám sát chỉ tiêu kế hoạch đào tạo Thạc sĩ quản lý giáo dục của các trường ĐH-HV trong vùng và cả trên nước có đủ chức năng nhiệm vụ đào tạo để chủ động kế hoạch đào tạo cán bộ của mình.
Đối với 9 huyện miền núi giáp Tây Nguyên, trong đó có 4 huyện thuộc diện 30a, thứ trưởng cho biết, các huyện này sẽ được hưởng một số ưu đãi về giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc như các tỉnh Tây Nguyên.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng cần năng động hơn, chủ động bám sát các hoạt động của ngành, của các Cục, Vụ trực thuộc Bộ GD-ĐT để kịp thời đề xuất những khó khăn vướng mắc của địa phương, tham gia các chương trình, Dự án của Bộ nếu phù hợp với điều kiện thực tế giáo dục tại địa phương.
Bá Hải