Thiếu nguồn tuyển giáo viên
Theo thống kê từ các Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục trực thuộc theo quy định định mức giáo viên, năm học 2023 – 2024, Quảng Nam thiếu 2.246 giáo viên. Đây là so sánh giữa nhu cầu và số lượng giáo viên thực tế hiện có.
Dù liên tục những năm gần đây, năm nào Quảng Nam cũng tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng đều không tuyển đủ so với chỉ tiêu. Năm 2022, chưa tính số giáo viên trúng tuyển tại Điện Bàn, Tam Kỳ và Nam Trà My do tổ chức tuyển dụng riêng, Quảng Nam tuyển dụng được 875 giáo viên và nhân viên, chỉ đạt 52,5% so với chỉ tiêu. Trong số này, có 44 thí sinh sau đó bị hủy kết quả trúng tuyển do không hoàn thiện hồ sơ trúng tuyển, không đến ký hợp đồng làm việc…
Mầm non và Tiểu học là hai cấp học thiếu nhiều giáo viên nhất ở Quảng Nam. Như năm 2022, chỉ tuyển được 176 giáo viên tiểu học/614 chỉ tiêu, giáo viên tiểu học môn Âm nhạc chỉ có 4 giáo viên trúng tuyển/25 chỉ tiêu, tỉ lệ này của giáo viên tiểu học môn mỹ thuật là 7/21 chỉ tiêu. Một số bộ môn như Ngoại ngữ, Tin học cũng nhận được rất ít hồ sơ tham gia dự tuyển và hầu như không có giáo viên nào đăng ký lên miền núi giảng dạy.
Qua kỳ tổ chức tuyển dụng năm 2022, Quảng Nam vẫn còn 789 chỉ tiêu chưa được tuyển dụng; trong đó nhiều nhất là tiểu học còn 477 chỉ tiêu, mầm non 138 chỉ tiêu và THCS còn 59 chỉ tiêu. Viên chức ngành giáo dục của huyện Nam Trà My chỉ khoảng 600 người trong tổng số chỉ tiêu biên chế 800 vị trí việc làm. Và năm nào, Nam Trà My cũng có tình trạng giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển về đồng bằng.
Ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, khó khăn lớn nhất trong tuyển dụng giáo viên là thiếu nguồn tuyển, dù chỉ tiêu rất nhiều nhưng không có nhiều hồ sơ. Đặc biệt, các huyện miền núi rất thiếu giáo viên nhưng số hồ sơ thi tuyển lại không nhiều.
Như chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên mầm non năm 2022 của Quảng Nam là 319 nhưng chỉ có 174 thí sinh dự tuyển, tiểu học có 739 chỉ tiêu nhưng chỉ có 416 thí sinh đăng ký dự thi. Huyện Nam Trà My chỉ tuyển dụng được 97 giáo viên ở 3 cấp học từ mầm non – THCS trong tổng số 262 chỉ tiêu tuyển dụng năm 2022.
Lớp học hè miễn phí của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam do các giáo viên hợp đồng đứng lớp. Nhà trường trả lương cho số giáo viên hợp đồng trong thời gian nghỉ hè để "giữ chân" người lao động. |
Tại cuộc họp về kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục năm 2022 do UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, ông Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My nêu thực trạng: “Để giải quyết vướng mắc này, huyện có giải pháp giao các trường tìm kiếm giáo viên hợp đồng, song thực tế không có nguồn giáo viên, nên phải thực hiện dạy trái môn, người có trình độ trung cấp mầm non có thể dạy tiểu học. Mong tỉnh chấp nhận giải pháp này của địa phương”.
Đào tạo nguồn giáo viên tại chỗ cho miền núi
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) hiện có 17 giáo viên hợp đồng. Trong số này, có 13 giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm tiểu học. Số còn lại, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, nhà trường hợp đồng từ nhiều nguồn như Sư phạm Lịch sử, Địa lý... Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam có 6 giáo viên hợp đồng không được đào tạo chuyên ngành sư phạm mà tốt nghiệp cử nhân ở một số ngành học khác. 6 giáo viên này đều dạy các lớp tiểu học.
Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam): “Số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển kỳ thi viên chức ngành giáo dục của bậc THCS vượt xa so với chỉ tiêu biên chế. Thế nhưng, số hồ sơ đăng ký dự tuyển ở bậc tiểu học còn thiếu rất nhiều.
Trong khi đó, Nam Trà My vẫn còn một số lượng những sinh viên tốt nghiệp các ngành học khác chưa có việc làm. Đây là những học sinh người đồng bào ngay tại địa phương. Các em được học nội trú từ bé và được đào tạo căn bản. Nếu gửi đi đào tạo đúng chuyên ngành sư phạm tiểu học, cơ hội trúng tuyển viên chức của họ là rất cao và cũng là giải pháp căn cơ nhất để góp phần giữ ổn định đội ngũ giáo viên cho địa phương”.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Quảng Nam về thực trạng công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục những năm gần đây thì việc thu hút sinh viên đăng ký dự tuyển về địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2019 – 2020, tỉ lệ trúng tuyển viên chức chỉ đạt 51.7%.
So với biên chế giao năm 2023, các huyện miền núi thiếu 354 giáo viên để đáp ứng nhu cầu của năm học 2023 – 2024.
Ban Văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND Quảng Nam từ năm học 2023 – 2024 trở đi, tập trung triển khai việc khảo sát số lượng, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu.
Dự báo thiếu hụt giáo viên của từng cơ sở giáo dục, từng địa phương miền núi. Lựa chọn những học sinh có học lực khá, giỏi tại các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Nghiên cứu trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định các chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh để đào tạo nguồn giáo viên có chất lượng, phục vụ ổn định, lâu dài và bền vững cho khu vực miền núi.