Nghịch lý… thiếu giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu giáo viên đang là thách thức với nhiều cơ sở giáo dục khi năm học 2023 - 2024 cận kề.

Cô trò điểm trường thôn Ia Đơr thuộc Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành (Kon Tum). Ảnh minh họa: INT
Cô trò điểm trường thôn Ia Đơr thuộc Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Tất Thành (Kon Tum). Ảnh minh họa: INT

Giải quyết bài toán này, nhiều địa phương đang rốt ráo tuyển dụng giáo viên, song nhiều bộ môn thiếu nguồn tuyển dù nhu cầu của địa phương là bức thiết.

Có chỉ tiêu nhưng thiếu nguồn tuyển

Ngày đầu tiên học sinh tựu trường (1/8), cô C.T.N – giáo viên một trường THCS công lập ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải chạy qua lại 2 lớp học để phổ biến một số nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động, quản lý sinh hoạt hè. Chia sẻ lý do “phân thân” cả 2 lớp học, cô C.T.N cho biết, nhà trường đang thiếu giáo viên nên năm học 2023 – 2024 tạm thời được giao chủ nhiệm 2 lớp (một lớp khối 6, một lớp khối 7).

Theo cô C.T.N, đây là giải pháp tình thế vì sĩ số học sinh của trường ngày một đông trong khi giáo viên vẫn thiếu. Cũng vì lý do này nhà trường phải tách học sinh của một lớp 8, một lớp 9. Theo đó, học sinh 2 lớp này được phân bổ vào các lớp học khác trong khối.

Tại Thanh Hóa, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho hay, hiện số giáo viên biên chế ở các cấp là hơn 40 nghìn người. Toàn tỉnh còn thiếu trên 10 nghìn giáo viên; trong đó một số môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 thiếu giáo viên như: Tin học 690 người, Tiếng Anh 350 người, Mỹ thuật 280 người.

Theo ông Thức, từ năm học 2021 - 2022 trở về trước, Tiếng Anh và Tin học ở tiểu học là môn học tự chọn. Các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật không có trong chương trình THPT. Tuy nhiên, theo Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3; Âm nhạc, Mỹ thuật là môn lựa chọn từ lớp 10. Thực tế này khiến việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên của địa phương gặp nhiều khó khăn.

Tại hội nghị phát triển giáo dục Tây Nguyên, các địa phương cũng nêu thực trạng, dù thiếu giáo viên trầm trọng nhưng có nơi không thể tuyển dụng, nhất là vùng sâu vùng xa. Nghịch lý này được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Y Ngọc viện dẫn, huyện Tu Mơ Rông xét tuyển 200 giáo viên nhưng chỉ có 20 - 30 hồ sơ đăng ký. Thậm chí có người trúng tuyển nhưng sau đó tìm cách về miền xuôi hoặc nghỉ việc bởi điều kiện làm việc khắc nghiệt, chế độ đãi ngộ thấp.

Nhiều địa phương đã và đang rốt ráo tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học năm học mới. Ảnh: TG

Nhiều địa phương đã và đang rốt ráo tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học năm học mới. Ảnh: TG

Rốt ráo tuyển dụng

Hiện nhiều địa phương đang rốt ráo tuyển dụng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học cho năm học mới. Tuy nhiên, không ít địa phương đang khó khăn do thiếu nguồn tuyển, có bộ môn “trắng” hồ sơ đăng ký. Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết, vừa qua tỉnh đã tổ chức tuyển dụng được hơn 500 giáo viên nhưng không có giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Thời điểm hiện tại toàn tỉnh chưa có giáo viên chuyên trách 2 bộ môn này.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cho năm học mới, ông Trần Văn Thức nhấn mạnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa phối hợp với ngành Nội vụ hướng dẫn các địa phương tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao, ưu tiên tuyển trước số giáo viên ở các bộ môn còn thiếu nhiều. Trong trường hợp chưa kịp tuyển giáo viên, các địa phương sẽ hợp đồng với sinh viên mới ra trường và giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Ngoài ra, tỉnh bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp và dạy số tiết tăng.

Đề xuất một số giải pháp cho năm học mới, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã nhấn mạnh việc triển khai xây dựng Luật Nhà giáo; sửa đổi thông tư về vị trí việc làm và định mức giáo viên. Bộ GD&ĐT khuyến nghị các địa phương xây dựng, thực hiện đề án phát triển đội ngũ giáo viên; đồng thời rà soát, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục.

Mặt khác, các địa phương cần phối hợp tổ chức tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được phân bổ. Cùng đó, xây dựng chính sách địa phương để thu hút, tạo nguồn, giữ chân giáo viên. Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế “đặt hàng” đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP…

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” với Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, tại Điều 11 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh như sau: Hằng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng;

Hiện nay, việc tuyển dụng viên chức giáo viên thực hiện theo quy định của Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm viên chức giáo viên.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT trong quá trình thực hiện các Nghị định này. Mặt khác, nếu cấp có thẩm quyền đồng ý chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo thì sẽ cụ thể hóa vấn đề này trong quá trình xây dựng.

Tháng 7/2022, Bộ Chính trị giao bổ sung gần 66 nghìn biên chế cho ngành Giáo dục; riêng năm học 2022 - 2023 là hơn 27 nghìn giáo viên. Song, theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước tuyển dụng thêm hơn 17 nghìn giáo viên công lập. Vẫn còn trên 74 nghìn chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được; trong đó giáo viên mầm non là trên 24 nghìn; tiểu học hơn 28 nghìn; THCS hơn 15 nghìn và THPT hơn 5.500 người.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.