Ông Umeda Kunio-Đại sứ Nhật Bản khẳng định có hai vấn đề đáng tiếc xảy ra trong 3 năm qua là tình trạng thực tập sinh bỏ trốn và du học lao động bất hợp pháp tại Nhật.
Theo thống kê của Đại sứ quán Nhật Bản, hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang lưu trú tại Nhật Bản. Trong vòng 3-4 năm gần đây, Việt Nam đứng đầu trong số vụ tội phạm nước ngoài (hơn 90% là trộm cắp) phân theo quốc gia và số thực tập sinh người nước ngoài bỏ trốn tại Nhật Bản.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do không ít công ty tư vấn du học và công ty phái cử thiếu đạo đức lừa gạt nhiều thanh niên trẻ người Việt bằng việc thu phí môi giới cao, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học vừa làm thu nhập cao. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều người mang gánh nợ nặng nề khi ra đi và dễ bỏ trốn, phạm tội tại Nhật Bản.
Những kẻ môi giới hay công ty phái cử thiếu đạo đức lừa các bạn trẻ bằng những lời ngọt ngào như: “Nếu đi Nhật Bản thì vừa học vừa làm có thể kiếm được nhiều tiền”, hay là: “Sẽ cố gắng thu xếp để các bạn có thể đi Nhật Bản sớm”.
Đại sứ Umeda cảnh báo, các bạn trẻ Việt Nam không thể vừa đi học tại các trường dạy tiếng Nhật vừa làm thêm. Nếu làm thêm vào ban đêm thì ban ngày không thể học ở trường. Và nếu làm như vậy cũng không thể trả hết nợ vay. Rơi vào hoàn cảnh đó, những kẻ môi giới thiếu đạo đức lại dụ dỗ và lôi kéo các bạn trẻ vào những tổ chức tội phạm.
Đối với những người đi theo diện thực tập kỹ năng, có những doanh nghiệp Nhật Bản vi phạm pháp luật, như không trả lương ngoài giờ cho người lao động. Khi đó, những kẻ môi giới dụ dỗ rằng có thể kiếm được lương cao hơn để lao động bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp.
Theo Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản (Jasso), trong vài năm gần đây, một số công ty tư vấn du học đã cung cấp thông tin sai lệch về du học Nhật Bản trên website của họ như: Vừa học vừa làm thêm, một tháng có thể kiếm được 300.000 yên (3.000 USD); một giờ làm việc có thể nhận được mức lương 3.000 yên (30 USD); trong thời gian du học có thể đi làm thêm để trang trải toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt và dư một phần gửi về cho gia đình.
Nhưng thực tế là những người sang Nhật để học không thể kiếm được số tiền như vậy. Họ chỉ có thể kiếm được khoảng 7 USD cho mỗi giờ làm việc. Và với quy định chỉ được làm thêm 28 giờ/tuần, họ chỉ có thể kiếm được khoảng 13 - 18 triệu đồng mỗi tháng, trong khi chi phí sinh hoạt cơ bản tại Nhật cho mỗi người tốn khoảng 17 triệu đồng, chưa kể học phí.
Ông Odada Yoshiko, trưởng văn phòng Jasso Việt Nam (tổ chức của Nhật Bản chuyên hỗ trợ sinh viên) khẳng định những lời quảng cáo rằng vừa du học vừa kiếm tiền được chỉ là lừa đảo. Những người định sang Nhật phải xác định rõ mục đích để làm việc hay để học, vì không thể vừa học vừa làm mà đủ tiền trang trải cuộc sống và gửi về nhà.
Đại sứ quán Nhật Bản mong muốn các cơ quan chức năng tại Việt Nam tăng cường giám sát, phát hiện và loại trừ các doanh nghiệp lừa đảo; đồng thời khẳng định Nhật Bản luôn chào đón lao động và du học sinh Việt Nam tới học tập, làm việc và sinh sống hợp pháp.