(GD&TĐ) - Tại Việt Nam, bao năm nay, khái niệm quảng bá nghệ thuật truyền thống gần như đã trở thành kim chỉ nam của những nhà quản lý. Họ chăm chỉ làm việc, kiên nhẫn bám nghề với cùng một mục đích: Mong muốn nhiều khán giả biết đến giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Giúp khán giả hiểu ngôn ngữ nghệ thuật
Có đến sáu Thị Nở, bảy Chí Phèo xuất hiện trên sân khấu của liên hoan. Trong ảnh: một cảnh trong tiểu phẩm Chuyện nhà Bá Kiến do Đoàn chèo Bắc Giang thể hiện. |
Tất nhiên, mong muốn này không giới hạn, nghĩa là Việt Nam sẵn sàng chào đón những vị khán giả nước ngoài. Bất cứ ai tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống Việt, cho dù đam mê, thích thú hay chỉ là sự tò mò thì chúng ta cũng rất hoan nghênh. Cứ xem những gì đang diễn ra tại các nhà hát múa rối nước, nếu là người Việt, hẳn sẽ tự hào về sức hút của môn nghệ thuật truyền thống này. Trước cửa Nhà hát Múa rối Thăng Long lúc nào cũng chật kín khách đứng xếp hàng mua vé, mà chủ yếu là khách nước ngoài. Vì sao múa rối nước lại hấp dẫn khách nước ngoài như vậy? Chỉ đến khi thực sự bước chân vào không gian của múa rối nước, bạn mới có thể lý giải được điều đó. Ngay cả khán giả Việt, lâu nay khá thờ ơ nghệ thuật truyền thống với lý do “múa rối nước quá quen thuộc rồi, có gì lạ đâu” cũng sẽ phải thay đổi định kiến: Thực sự rối nước quá hấp dẫn, những nhân vật rối tưởng như vô tri vô giác lại trở nên cực kỳ sống động trước mắt khán giả. Không lạ lẫm khi thấy khán giả nước ngoài ôm bụng, chỉ tay cười ngặt nghẽo khi xem múa rối, đôi khi còn phải chảy nước mắt vì những con rối mang đến quá nhiều cảm xúc. Nhưng làm sao họ có thể hiểu được nghệ thuật rối nước để mà cười và khóc theo nó? Đơn giản là vì nhà hát biết cách tổ chức.
Khi muốn gần gũi và tiếp xúc với ai đó, bạn cần phải hiểu được ngôn ngữ của họ. Múa rối nước có ngôn ngữ riêng của nó. Và nếu là một người nước ngoài, bạn sẽ không thể hiểu được. Vì thế, không lấy làm lạ khi Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn quan tâm đến vấn đề truyền đạt ngôn ngữ đến nhiều đối tượng khán giả. Tất cả màn diễn của họ đều được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp, vì thế khán giả nước ngoài có thể tiếp xúc với rối nước, nó cũng dễ dàng như việc bạn xem một bộ phim nước ngoài có phụ đề hoặc được lồng tiếng Việt. Kết quả là, trải qua gần 40 năm hoạt động, Nhà hát Múa rối Thăng Long lúc nào cũng kín khách.
Kể từ năm 2004, Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị nghệ thuật đầu tiên được thực hiện theo mô hình xã hội hoá nghệ thuật. Nhà hát đã hoạt động tốt, hiệu quả, luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Từ những vở diễn nổi tiếng của Nhà hát như Huyền thoại Tiên rồng, Trần cổ Loa thành, Linh thiêng hai tiếng đồng bào... cho đến những vở diễn hài luôn được khán giả cổ vũ nồng nhiệt. Trải qua nhiều năm, người Việt Nam từ chốn cung đình cho đến các làng mạc nông nghiệp nghèo nhất, ai ai cũng yêu mến chú Tễu và coi Tễu là con rối quan trọng nhất. Tễu được làm to hơn tất cả các con rối khác, mặc dù nếu dựa vào cách để tóc trái đào thì Tễu mới chỉ khoảng bảy, tám tuổi. Chú Tễu thân hình tròn trĩnh, da trắng hồng và lúc nào cũng tươi cười. Chú đóng khố để lộ bộ ngực và bụng phệ. Tay chú vung vẩy, cái đầu quay nghiêng quay ngửa khi chú trêu chọc khán giả. Chỉ xem chú Tễu múa rối nước thôi chưa đủ, khán giả nào sau khi xem xong cũng phải mua bằng được một chú về làm kỷ niệm.
Chưa cởi mở trong quảng bá
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật có thương hiệu của Việt Nam |
Nhưng, không khí náo nhiệt tại các nhà hát múa rối dường như trái ngược với sự ảm đạm tại những nhà hát lưu giữ nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam. Được khán giả nước ngoài vồ vập không có nghĩa múa rối nước quý hơn tuồng, chèo, quan họ... Vì tất cả nghệ thuật truyền thống Việt Nam đều được ví như ngọc quý nên giá trị không thể mang ra đong đếm. Chỉ thấy tiếc một điều, những môn nghệ thuật này chưa thực sự quảng bá được chính mình. Khán giả nước ngoài có thể xem một lần vì tò mò nhưng do rào cản ngôn ngữ, họ không hiểu nên rất khó để mời họ đến lần 2, lần 3... Cứ thế, các nhà hát tuồng, chèo, cải lương... dần trở nên thưa khách. Không phải không quý, mà cũng không phải kém hấp dẫn, vấn đề có lẽ là vì những người trong cuộc chưa chịu cởi mở trong cách quảng bá.
Trước đây, người ta khá kỳ thị với chiến lược biến nghệ thuật truyền thống trở thành hàng hóa rồi mời chào, bán cho các công ty du lịch lữ hành, phục vụ khách nước ngoài... Nhưng nghệ thuật truyền thống không thể tồn tại mãi được nếu nó không được gìn giữ, mà người đóng vai trò gìn giữ cần phải sống, buộc phải vật lộn trong thời khủng hoảng kinh tế.
Xem ra, sự kỳ thị đó không thực tế và cũng thể hiện một phần tư tưởng bảo thủ, quan liêu. Múa rối nước đã đi tiên phong khi đưa nghệ thuật truyền thống vào khai thác du lịch. Và kết quả là suốt thời gian qua, chỉ bán vé phục vụ du lịch, múa rối trở thành loại hình nghệ thuật được du khách nước ngoài lựa chọn đầu tiên và trở thành một thứ hàng hóa có thương hiệu. Là hàng hóa thì đã sao nếu loại hình nghệ thuật truyền thống đó vẫn giữ được bản sắc và được nhiều đối tượng khán giả yêu mến? Sự thật là múa rối nước không chỉ sống khỏe mà còn ăn nên làm ra. Đó là kết quả của sự cởi mở!
Từ bài học kinh nghiệm của múa rối nước, có lẽ các nhà quản lý nên thay đổi tư tưởng, thay đổi cách nhìn về quảng bá nghệ thuật truyền thống, để không chỉ múa rối nước mà các môn nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo, cải lương... thoát khỏi tình cảnh “thắt lưng buộc bụng” như hiện nay. Đây là vấn đề cần làm ngay trước khi quá muộn.
Tất cả nghệ thuật truyền thống Việt Nam đều được ví như ngọc quý nên giá trị không thể mang ra đong đếm. Chỉ thấy tiếc một điều, những môn nghệ thuật này chưa thực sự quảng bá được chính mình. Khán giả nước ngoài có thể xem một lần vì tò mò nhưng do rào cản ngôn ngữ, họ không hiểu nên rất khó để mời họ đến lần 2, lần 3... |
Thủy Hương