Mức phạt phù hợp với luật hiện hành
Trước một số ý kiến cho rằng, mức phạt được Bộ GD&ĐT đưa ra trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GD (Dự thảo Nghị định) là quá cao, luật sư Thắng cho rằng: “Khi xem xét về mức chế tài xử phạt, chúng ta không thể đánh giá là cao hay thấp, mà phải xem nó có phù hợp hay không. Tức là, phải bàn đến vấn đề hiệu lực và hiệu quả của các quy phạm pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc chế tài xử phạt có đủ sức răn đe và phòng ngừa chung hay không”.
Theo luật sư Thắng, đối với các hành vi vi phạm pháp luật, có 2 loại chế tài xử phạt chủ yếu là hành chính và hình sự. Đối với các hành vi chưa đủ để cấu thành tội phạm, phải xử lý bằng chế tài hành chính nhưng phải đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển hiện nay, sau 5 năm Nghị định 138/2013/NĐ-CP được ban hành, thì mức chế tài cũ đã không còn phù hợp. Vì vậy, việc tăng mức chế tài xử phạt trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và hợp lý. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng đã căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính để quy định mức xử phạt.
Cụ thể, theo Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực tại điểm c khoản 1 và khoản 2 có quy định:
1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
“….c) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng: Phòng cháy, chữa cháy; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; bổ trợ tư pháp; y tế dự phòng; phòng, chống HIV/AIDS; GD; văn hóa; thể thao; du lịch; quản lý khoa học, công nghệ; chuyển giao công nghệ; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo trợ, cứu trợ xã hội; phòng chống thiên tai; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; quản lý và bảo tồn nguồn gen; sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cây trồng; thú y; kế toán; kiểm toán độc lập; phí, lệ phí; quản lý tài sản công; hóa đơn; dự trữ quốc gia; điện lực; hóa chất; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ; đăng ký kinh doanh…”.
2. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
“Dự thảo Nghị định quy định mức phạt cao nhất đối với cá nhân là 30 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với tổ chức. Như vậy, đã tuân theo quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực dưới 50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân và dưới 100 triệu đồng đối với tổ chức” – luật sư Thắng nói.
“Xúc phạm nhân phẩm, danh dự” – hành vi phổ biến và dễ bị vi phạm
Với một số quan điểm cho rằng, Dự thảo Nghị định đang quy định ở mức chung chung, ví dụ như: Vì sao phạt, sẽ phạt như thế nào, ai sẽ được phạt, phạt mức độ nào, tiền phạt sẽ thu về đâu...? Luật sư Thắng, nhận xét: “Dự thảo Nghị định đã quy định các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GD và quy định hình thức xử phạt chính trong dự thảo là phạt tiền. Ngoài ra, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 tại khoản 1 Điều 1 cũng đã quy định rõ: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.
Từ nhận xét của luật sư Thắng, có thể thấy: Dự thảo Nghị định đã quy định rõ các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực GD. Khi có hành vi vi phạm xảy ra, người có thẩm quyền xử phạt sẽ áp dụng các quy định để đưa ra quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Đồng ý rằng, trong thời gian vừa qua trên các phương tiện truyền thông đăng tải một số clip người dạy có những lời lẽ, cử chỉ xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học không phù hợp với đạo đức, phong cách của nhà giáo, nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự. Việc đưa ra chế tài xử phạt trong trường hợp này là cần phải có, để răn đe và phòng ngừa chung, nhưng phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên theo luật sư Thắng, việc xử phạt thế nào còn tùy vào mức độ vi phạm, lỗi và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và thủ tục xử phạt mà Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định. Cụ thể, người có thẩm quyền xử phạt sẽ xem xét áp dụng mức chế tài xử phạt phù hợp đối với mỗi hành vi vi phạm. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt đã được quy định từ Điều 38 đến Điều 41 của Chương III Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GD.
Cũng theo luật sư Thắng, tài chính của việc xử phạt sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước theo quy đinh tại Khoản 10 Điều 2 Nghị định 163/2016 NĐ-CP quy định về thu ngân sách Nhà nước.
Nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về quy định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng. Họ cho rằng, cần phải cụ thể hơn nữa bởi câu nói và hành động như thế nào sẽ được coi là xúc phạm.
Về điều này, luật sư Thắng cũng đưa ra quan điểm: “Cụm từ “xúc phạm nhân phẩm, danh dự” có tính chất định tính, không chỉ xuất hiện trong Bộ luật Dân sự, nó còn được quy định Khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều này cho thấy, đây là hành vi phổ biến và dễ bị vi phạm, theo đó chế tài xử phạt cũng rất nghiêm khắc là phạt tiền hoặc phạt tù; cải tạo không giam giữ. Ngoài ra, mức phạt tiền trong trường hợp này Bộ luật Hình sự cũng đã quy định phạt tiền tối thiểu là 10 triệu đồng, tối đa là 30 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, luật sư Thắng cũng cho rằng, việc tăng mức xử phạt như đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm là phù hợp với tinh thần của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi lẽ, chế tài xử lý vi phạt hành chính áp dụng với các hành vi chưa đủ để cấu thành tội phạm nhưng phải đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung. Như vậy, các nhà làm luật cũng cần phải xem xét lại điều này sao cho phù hợp.