Quản trị số trong trường học: Đồng bộ dữ liệu học bạ

GD&TĐ - Để phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) của học sinh lên cơ sở dữ liệu ngành.

Những năm trước, thí sinh đến trường nhập học phải mang theo hồ sơ gốc, trong đó có học bạ THPT để đối chứng. Ảnh minh hoạ: TG - Internet
Những năm trước, thí sinh đến trường nhập học phải mang theo hồ sơ gốc, trong đó có học bạ THPT để đối chứng. Ảnh minh hoạ: TG - Internet

Dữ liệu này sẽ được kiểm tra, rà soát sau khi đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển. 

“Phơi bày” trên hệ thống

Hoan nghênh chủ trương của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) nhìn nhận: Hiện nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học bạ THPT của thí sinh. Vì thế, nếu kết quả này được cập nhật lên hệ thống và đồng bộ hệ thống quản lý xét tuyển sẽ thuận lợi cho thí sinh và các trường. Theo đó, thí sinh không phải mất thêm công đoạn nộp hồ sơ bản giấy và các trường cũng giải phóng được giai đoạn kiểm tra, đối chứng hồ sơ học bạ của các em. Như vậy đôi bên cùng có lợi. Quan trọng là các thông tin sẽ được công khai, minh bạch.

Đồng quan điểm, TS Kiều Xuân Thực – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội quả quyết: Nếu làm theo phương án của Bộ GD&ĐT đưa ra sẽ rất tốt cho thí sinh và các trường đại học; đồng thời giải phóng được nhiều công đoạn liên quan giấy tờ, hồ sơ, hành chính… “Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT của thí sinh. Nếu kết quả học tập được cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành và đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển, chúng tôi chỉ việc vào hệ thống để tải dữ liệu về và tiến hành các bước xét tuyển theo quy định, không mất công nhập dữ liệu. Như vậy, thuận tiện cho trường và thí sinh” - TS Kiều Xuân Thực dẫn giải.

Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trước đây nhà trường phải thu bản giấy, sau đó cập nhật dữ liệu của trường. Nếu các em đăng ký xét tuyển, hoặc xác nhận nhập học online vẫn phải có thêm công đoạn thu hồ sơ gốc để đối chiếu. Việc này, vừa mất công, mất việc, bất tiện cho thí sinh và cơ sở đào tạo, mà còn dẫn đến nhầm lẫn, sai sót.

“Từng có thí sinh được thông báo trúng tuyển đại học, nhưng sau khi các em nhập học, đến bước kiểm tra hồ sơ gốc mới phát hiện em đó không trúng tuyển vì chưa đủ điều kiện về điểm học bạ. Vẫn biết đó là những tình huống hy hữu, nhưng không phải là không có. Khi đó sẽ thiệt thòi cho thí sinh. Nếu áp dụng phương án như của Bộ GD&ĐT đề xuất thì khắc phục được tình trạng này, vì dữ liệu kết quả học tập của thí sinh được “phơi bày” trên hệ thống” - TS Kiều Xuân Thực tâm đắc, đồng thời nhấn mạnh: Chủ trương này cũng phù hợp với bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xét tuyển đại học, cao đẳng cũng nằm trong lộ trình này.

Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật, liên kết dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh minh hoạ: TG - Internet
Bộ GD&ĐT sẽ cập nhật, liên kết dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh minh hoạ: TG - Internet

Thuận lợi cho thí sinh và các trường

Không muốn lặp lại một số hạn chế như những năm trước khiến thí sinh và cơ sở giáo dục đại học vất vả trong việc nộp hồ sơ học bạ THPT để xét tuyển, GS.TS Nguyễn Trung Kiên - Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh mong muốn, chủ trương cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành và đồng bộ với hệ thống quản lý thi, xét tuyển sớm thành hiện thực để các trường có thể sử dụng cơ sở dữ liệu này càng sớm, càng tốt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin vào thi, xét tuyển đại học đã và đang được Bộ GD&ĐT triển khai sâu rộng. Qua đó, tạo thuận lợi cho thí sinh trong đăng ký thi và xét tuyển, hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh.

Theo ông Hải, cơ sở dữ liệu của Bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ mã định danh, căn cước của giáo viên và tới đây sẽ là học sinh. Làm được điều này sẽ thuận lợi cho các dịch vụ trực tuyến; trong đó có việc đăng ký thi, xét tuyển đại học của thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh.

Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: Trong hệ thống đăng ký xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ cập nhập, liên kết dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành cũng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để bảo đảm thông tin của thí sinh chính xác nhất, thuận tiện cho quá trình đăng ký dự thi và xét tuyển đại học, cao đẳng. Từ kết nối hệ thống đó, Bộ sẽ cung cấp dữ liệu từ kết quả học bạ THPT của thí sinh đến các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhằm tạo thuận tiện cho các cơ sở đào tạo trong quá trình xét tuyển bằng phương thức này.

Nếu vận dụng cơ sở dữ liệu này, chúng ta không cần yêu cầu thí sinh đi công chứng học bạ hay các trường THPT phải xác nhận kết quả học tập cho thí sinh, mà tất cả sẽ được công nhận trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Thực hiện giải pháp này, sẽ giảm thiểu rất nhiều thủ tục hành chính cho thí sinh và cơ sở đào tạo, đồng thời giải phóng một số công việc “chân tay”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các Sở GDĐT tham gia tích cực vào công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022; trong đó có việc rà soát danh mục mã trường THPT, khu vực ưu tiên. Đồng thời, chỉ đạo các trường THPT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ