Được nghiên cứu kỹ các Dự thảo Văn kiện của Đảng trình đại hội XI, chúng tôi rất phấn khởi thấy Đảng ta luôn coi nhân dân là gốc, là cội nguồn của sức mạnh. Trong đó một điểm mà chúng tôi tâm đắc là: Dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội XI đã bám sát vào thực tế vào đặc điểm tình hình để thể hiện rõ sự hoạch định những chủ trương, chíng sách mang tính chiến lược đó là, quan tâm đặc biệt tới đời sống thu nhập của những người nông dân nông thôn.
Tại nội dung của phần 3 (nhỏ) mục III (lớn) trong Báo cáo chính trị đặt ra mục tiêu: "Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản bình quân 5 năm đạt 4,4 - 5,1%/năm. Tỷ trọng lao động nông-lâm-thủy sản năm 2015 chiếm 35 -40 % lao động xã hội. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8- 2 lần so với năm 2010".
Đây là một thông tin làm chúng tôi, những người dân sống ở vùng đất bán sơn địa của xã còn nhiều khó khăn về kinh tế hết sức phấn khởi.
Hướng nghiệp cho thanh niên phải theo cách vừa học, vừa làm và phải có thu nhập để lôi cuốn, thu hút nhiều người tham gia. ảnh MH |
Thực tế trong nhiều năm qua Đảng ta luôn quan tâm, có những định hướng hỗ trợ giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động. Song hiện nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng một thu hẹp, nhiều ngành nghề phụ ở nông thôn dần bị mai một do nông dân thiếu vốn sản xuất và không có thị trường tiêu thụ, nên sức ép việc làm ở nông thôn ngày càng tăng. Nhất là nhóm các đối tượng lực lượng thanh niên đang trong độ tuổi lao động.
Do không có việc làm nên những tệ nạn xã hội xảy ra thường xuyên hơn, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và nếp sống văn hóa tại cộng đồng dân cư... Chúng tôi nghĩ, vấn đề đặt ra hiện nay là cần tạo việc làm cho thanh niên vùng nông thôn, miền núi theo cách hướng nghiệp dạy nghề để giúp họ tìm việc làm ổn định.
Vì vậy chúng tôi kiến nghị: cùng với các chính sách nhằm giảm tỷ lệ hộ đói nghèo hiện nay ở nông thôn miền núi, Đảng, Nhà nước cần quan tâm xúc tiến thực hiện nhiều giải pháp kết hợp mang tính tình thế như: xuất khẩu lao động, thành lập các khu kinh tế của thanh niên xung phong..v.v... với các chính sách ưu đãi, chú trọng vào công tác hướng nghiệp, dạy nghề tại chỗ cho thanh niên. Quá trình hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên cần nắm rõ tâm lý, đặc điểm và căn cứ vào vùng nguyên liệu, vào nhu cầu của từng vùng, miền cho phù hợp.
Hiện nay, đa số trung tâm hướng nghiệp dạy nghề đang tập trung vào các nghề như điện, điện tử, sửa chữa xe máy, cơ khí... nhưng nhiều người được đào tạo nghề ra không tìm được việc làm. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc mở lớp dạy nghề, các địa phương cần kết hợp thành lập các công xưởng, kêu gọi đầu tư vốn và khuyến khích mở các cơ sở sản xuất trong khu vực. Ngành Lao động- Xã hội cần phối hợp với các cơ sở này để tạo nghề cho thanh niên. Khởi đầu, phải hỗ trợ kinh phí học nghề, tổ chức đào tạo miễn phí cho thanh niên. Các ngành thương mại dịch vụ cần được huy động vào cuộc để bao tiêu sản phẩm.
Hướng nghiệp cho thanh niên phải theo cách vừa học, vừa làm và phải có thu nhập để lôi cuốn, thu hút nhiều người tham gia. Việc mở các cơ sở sản xuất tại các địa phương, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề trực tiếp cho thanh niên sẽ thuận lợi vì không phải lo nơi ăn nghỉ, lại giúp các hoạt động của thanh niên đi vào nề nếp; Không nên tập trung các cơ sở dạy nghề ở thành phố, thị xã gây khó khăn cho việc học nghề của thanh niên nông thôn, miền núi ..v.v...
Nhằm "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn cho giai đoạn sau." Như trong Dự thảo "Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2010-2020"đã đề ra./.
Nguyễn Văn Phương
(Phó Bí thư chi bộ Thôn Trại Phúc Mãn-Xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang)