Đầu tư xây mới, cải tạo các công trình
Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên với trên 50% dân số là đồng bào các DTTS, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu... Những năm gần đây, các dự án đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện đều được quan tâm, đầu tư thông qua khảo sát, lấy ý kiến cộng đồng, chính quyền địa phương và các ngành, cơ quan có thẩm quyền thẩm tra kỹ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, nhằm bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Theo kế hoạch năm 2023, nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa, từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 25 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,2 tỷ đồng. Huyện Đồng Hỷ dự kiến đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 40 công trình thuộc các dự án, tiểu dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng thời đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch.
Đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường nội trú, bán trú
Cô giáo Định Thị Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học vừa qua, trường có tổng số 389 học sinh với 15 lớp, trong đó tỷ lệ học sinh là người DTTS chiếm 92%, chủ yếu là Mông.
Hiện nay học sinh ở các điểm trường đi học xa, những hôm thời tiết mưa gió các thầy cô không dạy được kiến thức mới, các em đa phần không được hưởng chế độ 116 gia đình không có điều kiện cho các con ăn bán trú.
Năm học 2023-2024 dự kiến mô hình trường học nội trú và bán trú sẽ đưa vào sử dụng, hiện nay trường đang hoàn thiện các hạng mục như phòng ở với phòng 8 em có 4 giường tầng, quạt, điện có 12 phòng, 4 nhà vệ sinh, bếp ăn…
Việc đưa học sinh người DTTS về trường học tập trung sẽ giúp cho các em ở 2 điểm trường Bản Tèn và Liên Phương có môi trường học tập tốt, cơ sở vật chất được đảm bảo, các em tiếp cận với công nghệ thông tin và tiếng anh.
Để mô hình bán trú đi vào hiệu quả công tác tuyên truyền ngay từ đầu năm tới các bậc phụ huynh, trước khi bế giảng năm học đề nghị giáo viên tuyên truyền phụ huynh cho con đảm bảo an toàn, chế độ dinh dưỡng, được đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, các điểm trường sẽ duy trì chất lượng dạy học, nhà trường sẽ có kế hoạch chăm sóc đảm bảo cho học sinh để phụ huynh an tâm tin tưởng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phòng giáo dục và đào tạo huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đề án chuyển đổi mô hình trường tiểu học số 2 Văn Lăng thành trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Văn Lăng tổng nguồn vốn đầu tư cho đề án trên 10 tỷ đồng gồm nhà 2 tầng 6 phòng học, nhà ở dành cho học sinh nội trú 16 phòng đáp ứng nhu cầu 120 em học sinh, bếp ăn một chiều. Nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, dự kiến tháng 8 năm học 2023-2024 sẽ chuyển đổi mô hình.
Trong thời gian tới, để thu hút học sinh người dân tộc thiểu số, ngoài việc chuyển đổi mô hình trường tiểu học thành các trường nội trú, bán trú, ngành giáo dục cũng tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với chính quyền địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học.