Hướng đi mới phát triển các sản phẩm OCOP ở Thái Nguyên

GD&TĐ - Phát huy thế mạnh những sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số là yếu tố quan trọng giúp tỉnh Thái Nguyên gặt hái thành công trong xây dựng NTM.

Hướng đi mới phát triển các sản phẩm OCOP ở Thái Nguyên.
Hướng đi mới phát triển các sản phẩm OCOP ở Thái Nguyên.

Phát triển sản phẩm OCOP gia tăng giá trị

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hay gọi tắt là chương trình OCOP đã triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Phú Lương từ năm 2019, đến nay, qua 4 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tiêu biểu như mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dây thìa canh của Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK ở xóm Đồng Phủ 2, xã Yên Ninh mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với trồng lúa, ngô.

Anh Hoàng Khắc Cần, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK chia sẻ: Trước đây công ty chỉ đưa sản phẩm tới một số cửa hàng bán lẻ, siêu thị... nên số lượng tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, đến năm 2021, khi sản phẩm Trà dây thìa canh DK từ dây thìa canh lá to được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, các sản phẩm của công ty được nâng cao giá trị, mang đến nguồn thu nhập cao, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Hiệu quả của mô hình trồng cây dây thìa canh cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi chính là động lực để huyện Phú Lương (Thái Nguyên) thực hiện thắng lợi nhiều tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Toàn huyện có 16 sản phẩm của 11 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP thuộc các ngành hàng như: chè, mật ong, gạo nếp, bánh chưng, trà dây thìa canh.

Trong thời gian tới, huyện sẽ kết hợp phát triển các sản phẩm chủ lực, ứng dụng chuyển đổi số, gắn với du lịch nông thôn, tạo hướng đi mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 100% các xã có sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP tại Thái Nguyên ngày càng vươn xa, cho giá trị cao.
Sản phẩm OCOP tại Thái Nguyên ngày càng vươn xa, cho giá trị cao.

Nông thôn mới vươn cao

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tỉnh hiện có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có hai sản phẩm OCOP 5 sao. Các sản phẩm này đã tăng doanh thu ít nhất từ 20% trở lên so với trước khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được khách hàng trong nước đón nhận. Đặc biệt, để tiếp tục nâng tầm cho các sản phẩm OCOP, nhiều tổ chức, HTX, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại chất lượng, mẫu mã đẹp cho sản phẩm.

Đáng chú ý, các sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: Chè Tôn nõn Hảo Đạt, Trà dây thìa canh DK, Miến Việt Cường, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na,...

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác tốt lợi thế của các địa phương, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm hiệu quả, nâng cao giá trị.

Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng, khai thác hiệu quả thế mạnh thông qua những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trong quá trình thực hiện, tập quán sản xuất và tinh thần sáng tạo của người dân đồng thời phát huy những ngành nghề truyền thống; định hướng người dân đến nền kinh tế thị trường hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.

Thời gian tới, bên cạnh việc củng cố chất lượng, tăng giá trị, tích cực quảng bá các sản phẩm OCOP đã có, tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng, nhất là dược liệu, dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm để có giá trị gia tăng cao hơn, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.