Đảm bảo nhân, vật lực cho dạy học
Sau gần 3 năm học thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, ngành GD&ĐT huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Không chỉ nhận thức đúng quan điểm đổi mới GDPT 2018 về nội dung, chương trình, phương pháp, kiểm tra, đánh giá, các thầy cô giáo còn giúp học sinh có hứng thú hơn trong việc học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Năm học 2022 - 2023, trường Tiểu học Văn Yên, huyện Đại Từ có 748 học sinh với 23 lớp trong đó có 85% học sinh người dân tộc thiểu số. Theo bà Trần Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường: "Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công tác bồi dưỡng chuyên môn, sắp xếp, bố trí phân công đội ngũ giáo viên có năng lực, nhiệt tình, năng động, có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin giảng dạy. Đối với bộ môn Tin học và Tiếng Anh, nhà trường đảm bảo số lượng giáo viên chuyên biệt giúp học sinh được học đủ 100% thời lượng”.
Cùng với việc chuẩn bị nhân lực, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, đề nghị cấp bổ sung thiết bị dạy học phục vụ triển khai Chương trình với phương châm tiết kiệm, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được. Đồng thời, sửa chữa, khắc phục những bộ thiết bị hỏng một phần để phục vụ Chương trình.
“Nhà trường đã chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn tăng cường khai thác tranh, ảnh, video, phần mềm tin học, tự làm đồ dùng dạy học và tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục”, cô Trần Thị Bích Thủy chia sẻ.
Em Đỗ Minh Tiến, học sinh lớp 4A trường Tiểu học Văn Yên, Đại Từ chia sẻ: “Chương trình mới với bộ sách mới rất hay và bổ ích. Chúng em vừa được học kiến thức vừa cảm thấy hứng thú với những tiết học”.
Theo cô Trần Thị Bích Thủy, nhà trường căn cứ khung chương trình quy định, điều kiện đội ngũ và học sinh để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp mục tiêu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục. Trong quá trình triển khai, nhà trường đã tập trung chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn cho đội ngũ về phương pháp, cách thức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Một tiết học môn Tin học tại trường Tiểu học Văn Yên, Đại Từ. |
Nỗ lực khắc phục khó khăn dạy tích hợp
Trong Chương trình GDPT 2018, môn tích hợp gồm Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ hai phân môn Lịch sử, Địa lý); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Đối với đội ngũ nhà giáo được đào tạo giảng dạy đơn môn, việc dạy học tích hợp còn khó khăn nhất định.
Năm học 2022 - 2023, trường PTDT Nội trú THCS Đại Từ, huyện Đại Từ có 366 học sinh, dự kiến năm 2023 - 2024 có khoảng 360 học sinh. Cô Chu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để gỡ khó, nhà trường đã bố trí giáo viên đào tạo chuyên ngành nào phụ trách phân môn đó để đảm bảo chất lượng.
Cụ thể, nhà trường phân công giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phụ trách môn Khoa học tự nhiên và tổ chức giảng dạy theo các chủ đề được quy định trong chương trình. Với môn Lịch sử và Địa lý, 2 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý đảm nhận các chủ đề theo chương trình. Môn Nghệ thuật, 2 giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật phụ trách. Nội dung Giáo dục địa phương có 3 giáo viên Tổ Xã hội phụ trách thực hiện giảng dạy các chủ đề theo quy định.
Để khắc phục khó khăn trong dạy học môn tích hợp, cô Chu Thị Lan cho biết nhiều nhà giáo đã và đang chủ động làm quen với việc tìm ra sự thống nhất của các môn học, nghiên cứu cách kết nối đơn vị kiến thức còn rời rạc thành hệ thống có tính liên kết, xây dựng thành chủ đề dạy học. Cùng với đó, nhà trường sẽ chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT, tiếp tục hỗ trợ, tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn các môn học tích hợp đảm bảo đầy đủ, kịp thời và có chất lượng.