Quan tâm đặc biệt về công nghệ bán dẫn

GD&TĐ - Chất bán dẫn trên toàn thế giới đang thiếu hụt do nhu cầu khổng lồ của việc tăng tốc quá trình số hóa kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) là một trong những nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn ở Hàn Quốc.
Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) là một trong những nơi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn ở Hàn Quốc.

Cùng với sự ra đời của các công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI)… cũng khiến chất bán dẫn khan hiếm. Trước tình hình này, các trường đại học ở châu Á đang đẩy mạnh việc thiết lập các khóa học chuyên về chất bán dẫn với sự hỗ trợ từ chính phủ và sự hợp tác của ngành công nghiệp.

Đại học liên kết với các công ty lớn

Năm 2019, chính phủ Hàn Quốc đưa ra kế hoạch nhằm tăng số lượng chuyên gia về chất bán dẫn lên 3.400 vào năm 2030 với các chương trình đại học đặc biệt kéo dài 4 năm. Sau đó, nước này đã thiết lập một chương trình liên ngành mới về công nghệ bán dẫn tại Đại học Quốc gia Seoul vào năm ngoái với số lượng tuyển sinh là 80 người.

Các trường đại học hàng đầu khác của Hàn Quốc như Đại học Yonsei ở Seoul, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đã công bố các văn bằng mới về bán dẫn hợp tác với hãng điện tử Samsung. Trong khi đó, Đại học Hàn Quốc ở Seoul công bố bằng cấp mới về bán dẫn kết hợp với Công ty SK Hynix từ năm nay.

Ngoài ra, các công ty Hàn Quốc đang cung cấp học bổng và vị trí việc làm cho sinh viên và hỗ trợ tài chính cho các trường đại học để thành lập các khoa mới.

Ưu tiên khoa học và kỹ thuật bán dẫn

Năm nay, Bộ Giáo dục Trung Quốc coi khoa học và kỹ thuật bán dẫn là lĩnh vực ưu tiên cho các chương trình học và đang khuyến khích các trường đại học thành lập khoa mới về lĩnh vực này. Vào tháng 5, Bộ đã công bố danh sách hơn 10 trường mới về chất bán dẫn thuộc các đại học hàng đầu.

Năm ngoái, Khoa Kỹ thuật điện của Đại học Thanh Hoa chỉ đào tạo được 46 tiến sĩ. Tháng 4 năm nay, nơi đây đã thành lập Trường Vi mạch tích hợp. Trường này được quảng cáo là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Trung Quốc cấp bằng thạc sĩ và nghiên cứu chuyên ngành về bán dẫn với số lượng ban đầu là 44 học viên thạc sĩ trong năm nay.

Các đại học khác của Trung Quốc như Bắc Kinh, Khoa học và Công nghệ Huazhong, Thâm Quyến… cũng khánh thành những trường mới hoạt động trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Thị phần sản xuất chất bán dẫn trên thế giới của Trung Quốc năm nay chỉ đạt 5%, giảm so với mức 6% của năm ngoái do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ. Theo ước tính, Trung Quốc cần thêm 230 - 600 nghìn kỹ sư bán dẫn. Nhu cầu về nhân lực tay nghề cao trong lĩnh vực bán dẫn xuất phát từ nhu cầu trong nước vốn đang rất cấp thiết.

Chú trọng đào tạo nhân lực

Đại học Đài Loan có hơn 50 giảng viên đang giảng dạy và nghiên cứu về chất bán dẫn. Đây là một trong những trường lớn nhất ở châu Á chuyên về lĩnh vực này.

Đại học Đài Loan có hơn 50 giảng viên đang giảng dạy và nghiên cứu về chất bán dẫn. Đây là một trong những trường lớn nhất ở châu Á chuyên về lĩnh vực này.

Đài Loan là nơi sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm 65% doanh thu sản xuất chip toàn cầu. Tháng 7 vừa qua, họ thông báo sẽ đầu tư số tiền tương đương gần 7,7 nghìn tỷ đồng trong 12 năm cho các khóa học sau đại học mới được tạo ra để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực tay nghề cao.

Khoảng 4.800 học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ sẽ được hưởng lợi từ chương trình trên trong 12 năm tới. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Năm ngoái, công ty này bắt đầu cung cấp học bổng tiến sĩ trị giá hơn 409 tỷ đồng cho chương trình kéo dài 5 năm với các cơ hội được cố vấn và thực tập. Ngoài ra, công ty thiết kế chip của Đài Loan có tên MediaTek sẽ cung cấp học bổng tiến sĩ liên quan đến chất bán dẫn.

Bên cạnh đó, nhà chức trách Đài Loan cho biết đã phê duyệt các viện nghiên cứu mới liên quan tới công nghệ tiên tiến quan trọng khác gồm trí tuệ nhân tạo và sản xuất thông minh nhằm đi trước, cạnh tranh toàn cầu trong các lĩnh vực này.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn tại hòn đảo này nhờ vào nỗ lực chung của ngành công nghiệp, học viện, sự đầu tư và cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư tốt. Tuy nhiên, bà cho rằng yếu tố quan trọng nhất là những tài năng xuất chúng trong ngành này.

Sự cạnh tranh toàn cầu

Nhiều nơi trên thế giới đang có nhu cầu cao về chip bán dẫn sau đại dịch Covid-19.

Nhiều nơi trên thế giới đang có nhu cầu cao về chip bán dẫn sau đại dịch Covid-19.

Duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu đã trở thành khẩu hiệu khi các quốc gia và khu vực khác ngoài châu Á cũng đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất và đào tạo trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Mỹ đang đầu tư số tiền tương đương khoảng 546 nghìn tỷ đồng vào sản xuất chất bán dẫn trong những năm tới. Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu sản xuất 20% chip bán dẫn trên toàn cầu vào năm 2030. Các quốc gia châu Âu riêng lẻ cũng công bố chương trình đại học của mình.

Một số người lo ngại lực lượng lao động có kinh nghiệm của Đài Loan sẽ chuyển sang các nước khác bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục – những nơi đã săn lùng chuyên gia Đài Loan để giúp xây dựng ngành công nghiệp và nghiên cứu của riêng mình về chất bán dẫn.

Tuy nhiên, ông Chang Yao-Wen, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính thuộc Đại học Đài Loan tỏ ra lạc quan về việc chảy máu chất xám. Ông cho rằng, nhiều người sang các nước tiên tiến như Anh, Mỹ đã quay trở lại và mang theo những công nghệ tiên tiến. Đài Loan đang cố gắng khởi xướng nhiều chương trình giáo dục để cải thiện môi trường, hệ sinh thái trong ngành công nghiệp AI và chất bán dẫn.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.