Châu Á: Tăng cường đào tạo chương trình bán dẫn

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, lĩnh vực công nghệ bán dẫn đang phát triển với tốc độ chóng mặt và trở thành lĩnh vực hợp tác đại học - công nghiệp trọng điểm ở Đông Á, khu vực thống trị sản xuất chip toàn cầu.

Các quốc gia Đông Á “khát” nhân tài lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Các quốc gia Đông Á “khát” nhân tài lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Trước sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn thế giới và nhu cầu tăng tốc quá trình số hóa sau dịch Covid-19, các trường đại học châu Á đang đẩy mạnh tổ chức khóa học về lĩnh vực bán dẫn với sự hỗ trợ từ chính phủ và sự hợp tác với các doanh nghiệp.

Đài Loan, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm 65% doanh thu sản xuất chip toàn cầu, thông báo đầu tư 338 triệu USD trong 12 năm cho các khóa học sau đại học về lĩnh vực bán dẫn.

Chương trình dự kiến đào tạo 4.800 học viên thạc sĩ, tiến sĩ với sự hỗ trợ học tập, việc làm đến từ hai công ty thiết kế chip là MediaTek và TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

4 trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn đang được thành lập tại Trường Đại học Quốc gia Đài Loan, ĐH Quốc gia Tsing Hua và ĐH Quốc gia Cheng Kung. Ngoài ra, tháng 10 vừa qua, Trường ĐH Quốc gia Cheng Kung đã khai trương Học viện Bán dẫn sáng tạo và Sản xuất bền vững nhằm mục tiêu đào tạo tài năng trong lĩnh vực này.

Ông Chang Yao-Wen, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính, cho biết: Nhân tài ngành bán dẫn là mối quan tâm đặc biệt của ngành công nghiệp và Đài Loan. Chúng tôi đã thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu liên quan đến chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác để hướng tới tương lai chất lượng cao.

“Điều quan trọng là cần có sự hợp tác ba bên giữa chính quyền, ngành công nghiệp và các cơ sở giáo dục để tạo ra hệ sinh thái vượt trội cho nghiên cứu và phát triển AI, chất bán dẫn. Chính quyền sẽ tài trợ kinh phí còn ngành công nghiệp và trường học có thể tư vấn cho chính quyền để thúc đẩy các chương trình giáo dục đặc biệt”, ông Chang nhận xét.

Chia sẻ lý do các khóa học về AI, bán dẫn của Đài Loan rất phổ biến, Hiệu trưởng Chang cho biết, cơ hội việc làm trong các lĩnh vực này tại Đài Loan rất dồi dào từ công ty trong nước đến quốc tế. Đây cũng là yếu tố mạnh nhất để thu hút người trẻ theo học các lĩnh vực này.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chiếm 18% sản lượng chip toàn cầu, đã thành lập ngành công nghệ bán dẫn tại Trường Đại học Quốc gia Seoul. Khai giảng từ năm 2020, chuyên ngành có 80 chỉ tiêu.

Nằm trong kế hoạch năm 2019 của chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng số lượng chuyên gia bán dẫn lên 3.400 vào năm 2030, ngành công nghệ bán dẫn được đưa vào đào tạo đại học thời hạn 4 năm.

Các trường đại học hàng đầu khác của Hàn Quốc như ĐH Yonsei, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đã hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Samsung để đào tạo về lĩnh vực này.

Các công ty công nghệ cũng cung cấp học bổng, vị trí việc làm cho sinh viên và hỗ trợ tài chính để các cơ sở giáo dục đại học thành lập khoa mới.

Đầu năm 2021, Bộ Giáo dục Trung Quốc nhấn mạnh coi khoa học và kỹ thuật bán dẫn là lĩnh vực đào tạo đại học được ưu tiên, đồng thời khuyến khích các trường thành lập khoa đào tạo lĩnh vực này.

Vào tháng 5, Bộ đã công bố danh sách hơn 10 trường đại học hàng đầu đã thành lập chuyên ngành về bán dẫn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhân tài ngành bán dẫn của Trung Quốc khó có thể xuất hiện trong 3 - 4 năm nữa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này.

Theo UWN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ