Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác giảm nghèo, chính sách dân tộc luôn được tỉnh Thái Nguyên xác định là nhiệm vụ ưu tiên, thường xuyên được quan tâm triển khai thực hiện.

Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Với tổng dân số gần 1,3 triệu người, trong đó có 51 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào các dân tộc thiểu số dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến tháng 10/2019, Thái Nguyên có 124 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đến cuối năm 2021 còn 110 xã. Số hộ dân tộc thiểu số là gần 140.000 hộ với tổng dân số là trên 380.000 người chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ.

Bám sát các chỉ đạo của Trung ương về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Qua đó, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Đặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Thái Nguyên đã đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể: Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Từ nay đến năm 2025, Nhà nước đầu tư 1.984 tỷ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung đầu tư 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân.

Các dự án thành phần sẽ tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho đồng bào, đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Quan tâm phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Quan tâm phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách

Xác định công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là yếu tố then chốt góp phần ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào. Chính bởi vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo kịp thời trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, giảm nghèo.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng dân tộc thiểu số và miền núi toàn quốc…

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng tập trung phát triển kinh tế, xã hội, chú trọng công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bằng nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hoàn thành vượt kế hoạch, giảm từ 2,82% xuống còn 2,17% cuối năm 2021, giảm 0,65%, vượt 0,2%.

Thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đầu kỳ giai đoạn 2022-2025, theo báo cáo sơ bộ của các huyện, thành, thị, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 6,09% (20.416 hộ) và 16.274 hộ cận nghèo chiếm 4,85% trên tổng số hộ dân cư toàn tỉnh. Kết thúc năm 2021, Thái Nguyên là một trong những tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp.

Với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm, tăng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên gấp 2 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã, thôn, xóm ra khỏi diện đặc biệt khó khăn,

Đồng thời, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ sóng đài phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ