Mô hình khởi nghiệp của các thanh niên dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phát huy tinh thần khởi nghiệp, các thanh niên dân tộc thiểu số đã thành lập HTX nông nghiệp đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Mô hình khởi nghiệp của các thanh niên dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn.
Mô hình khởi nghiệp của các thanh niên dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có địa hình đồi núi, khí hậu thuận lợi cho trồng trọt các loại cây nông nghiệp và công nghiệp. Đây cũng là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, nhiều kinh nghiệm trong lao động sản xuất nhưng vẫn chưa có thu nhập ổn định.

Nhận thấy những tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ, những thanh niên người dân tộc thiểu số tại địa phương đã ấp ủ và quyết định khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2017, Tổ hợp tác Thanh niên Như Cố được thành lập với 25 thành viên đều là thanh niên dân tộc Tày chăm chỉ, cần cù, chịu khó.

Xác định rõ mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tổ quyết định thí điểm chuyển đổi 6.000m2 đất ruộng tại thôn Nà Chà, xã Như Cố sang trồng rau và cây ăn quả. Ban đầu, người dân địa phương rất lo lắng vì với họ, trồng một loại cây khác trên mảnh ruộng bao đời nay trồng lúa là một quyết định mạo hiểm.

Nhưng với sự cố gắng, chăm chỉ, miệt mài cùng nỗ lực quyết tâm chinh phục giấc mơ làm nông sản sạch trên mảnh đất quê hương, bước đầu tổ hợp tác đã thành công với một số loại rau củ quả như rau bí siêu ngọn, dưa chuột, dưa hấu, cà chua, rau cải... Ngoài ra, tổ còn thử nghiệm sản xuất thành công trồng rau trái vụ. Kết quả, ngay trong năm đầu tiên, mỗi 1.000m2 rau màu luân canh đã cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố tích cực chăm sóc cây trồng.

Thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố tích cực chăm sóc cây trồng.

Từ thành công bước đầu, tổ hợp tác đã thống nhất ý kiến của các thành viên và quyết định nâng tổ hợp tác lên thành HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố. Với mục tiêu phát triển bền vững, nghiên cứu áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nói không với hóa chất, thực hiện nghiêm túc quy trình canh tác, ghi chép cụ thể các bước chăm sóc, thu hoạch.

HTX đã cử các thành viên tham gia các lớp, khóa học về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, tới nhiều địa phương trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm trồng rau màu theo hướng hữu cơ như Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang... nghiên cứu áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nói không với hóa chất, thực hiện nghiêm túc quy trình canh tác, ghi chép cụ thể các bước chăm sóc, thu hoạch.

Góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương

Không chỉ giúp đỡ đoàn viên thanh niên vơi bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, các hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên còn là nơi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tìm hướng làm ăn hiệu quả, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Sự thành công của các mô hình kinh tế đã có sức lan tỏa lớn, tạo nên phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động nông thôn, hạn chế được tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa, đem lại hiệu quả cao góp phần phát triển kinh tế đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Sản phẩm trà mướp đắng rừng đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm trà mướp đắng rừng đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Anh Lường Đình Hùng, Cố vấn HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố chia sẻ: Để mở rộng vùng nguyên liệu, HTX đã chủ động liên kết với bà con qua phương thức người dân góp đất, góp nhân công; HTX hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chuẩn trồng cây hiệu quả, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Qua đó, những sản phẩm của HTX luôn duy trì chất lượng theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc, Bí thư Đoàn TNCS HCM huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thậm chí làm giàu tại khu vực nông thôn không phải là điều quá khó khăn, vấn đề là phải lựa chọn được hướng đi, cách làm một cách phù hợp. Và với việc xây dựng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác cùng giúp nhau phát triển kinh tế trong thanh niên là một hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng.

Như vậy, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phong trào thanh niên khởi nghiệp, trong thời gian tới Huyện đoàn Chợ Mới sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong vấn đề phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm... tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ